Đìu hiu bến xe khách ở Lâm Đồng

|

Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều bến xe tại Lâm Đồng lại “đói khách”, không có hoặc rất ít phương tiện chịu vào bến xe. Trong khi đó, ở bên ngoài, nhiều nhà xe sẵn sàng mở “bến cóc”, điểm đón tạm thời, chạy xe lòng vòng đón khách công khai.

Bến xe khách huyện Di Linh gần 1 năm đưa vào hoạt động đến nay vẫn không có một bóng xe khách

Từ chủ trương khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe của tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Tá Lợi đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng Bến xe khách huyện Đơn Dương (bến xe loại 3, công suất khai thác 30 xe/giờ). Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, bến xe hoạt động “thoi thóp”, xuống cấp vì luôn trong tình trạng vắng xe.

Ông Đoàn Văn Tá, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tá Lợi, cho biết: “Trên địa bàn huyện Đơn Dương có khoảng 12 nhà xe hoạt động, mỗi ngày có trên 40 lượt xe chạy đi và về các tuyến ngoại tỉnh, nhưng chỉ có 3 nhà xe vào lấy lệnh tại bến xe, còn lại toàn bộ các nhà xe vẫn hoạt động trá hình từ năm này qua năm khác”.

Theo tìm hiểu, nhiều nhà xe tại Đơn Dương như Cảnh Yến, Tuấn Như, Thu Dung, Hồng Ân, Như Vinh, Tuấn Anh, Long Ái… xuất phát từ các xã Ka Đô, Lạc Lâm, thị trấn Thạnh Mỹ, thị trấn D’Ran đi TPHCM và ngược lại nhưng chỉ chạy lòng vòng ngoài đường đón khách.

Xuôi dọc theo QL 20 hướng Đà Lạt đi TPHCM, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bến xe khách huyện Di Linh. Chính thức vận hành từ tháng 5-2022, bến xe khách này được đầu tư hơn 30 tỷ đồng, diện tích khoảng 9.000m2 với đầy đủ hạ tầng sân bãi, nhà đón trả khách, phòng vé, khu vệ sinh cho người khuyết tật… Bến xe này có khả năng đáp ứng cùng lúc 30 xe ra vào và 30 vị trí đậu đỗ nhưng hoàn toàn vắng xe khách.

Ông Đoàn Như Chinh, quản lý Bến xe Di Linh, cho biết: “Từ ngày vận hành tới nay, bến chưa có xe khách nào vào đậu đỗ, đón trả khách hoặc lấy lệnh xuất bến theo quy định. Việc các nhà xe đón trả khách qua các trạm tạm không đảm bảo các quy định cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, nhất là trên tuyến QL 20 với mật độ phương tiện dày đặc”.

Ngay cả Bến xe Đức Long Bảo Lộc (bến xe loại 1, lớn nhất tỉnh Lâm Đồng) được đầu tư nhiều năm nay, xe ra vào cũng èo uột, chủ yếu là một số loại xe tải và nhà xe đi các tỉnh phía Bắc. Trái lại, các trạm dừng chân (thực chất là các phòng vé của nhà xe) bên ngoài hoạt động rất nhộn nhịp, đón trả khách công khai.

Qua tìm hiểu, các nhà xe thường “lách luật” bằng cách làm hợp đồng trá hình, toàn bộ hành khách lên xe có nhân viên ghi tên rồi cho vào danh sách hợp đồng. Từ thực trạng này, qua theo dõi, kiểm tra, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản đề nghị TP Đà Lạt chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực đăng ký kinh doanh, điểm giao dịch, hành vi lập điểm đón, trả khách trái phép… nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí còn hoạt động nhộn nhịp hơn như ở đường Yersin, quanh các bãi đất trống khu vực hồ Xuân Hương, đường Ba Tháng Tư.