Đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm: Kỳ vọng tạo đột phá kinh tế Nam Trung bộ

|

Hai dự án đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Nha Trang - Cam Lâm, thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước thời điểm thông xe. Khi hai tuyến đường này được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TPHCM ra Khánh Hòa sẽ được rút ngắn đáng kể.

Một đoạn đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hoàn thành. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Những ngày này, trên công trường dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, lực lượng công nhân đang tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng như lắp biển chỉ dẫn, sơn kẻ vạch, lắp hộ lan… để kịp thông xe vào ngày 19-5.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, khởi công tháng 9-2020, tổng vốn đầu tư 11.500 tỷ đồng (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), nối tiếp cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đi qua các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trên tuyến có 5 nút giao kết nối các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Từ các nút giao này, các phương tiện có thể đi các huyện ở Bình Thuận hoặc đi Ninh Thuận, Lâm Đồng, qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng của các địa phương.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT) cho biết, theo thiết kế, vận tốc khai thác toàn tuyến là 80km/giờ, nếu chạy xe hết từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút. Tất cả các công việc còn lại trên tuyến chính cao tốc sẽ được hoàn thành trong ngày 18-5.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải), cho biết theo kế hoạch ngày 19-5 tới, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ chính thức thông xe, vượt tiến độ 3 tháng.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài gần 50km, đi qua huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), với tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng.

Đứng nhìn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trước ngày đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Hiển (ngụ xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phấn khởi cho biết, trước đây khu vực ông sống toàn đồng ruộng, núi đá, cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi đường cao tốc xây dựng, tuyến đường dẫn cao tốc hình thành, các tuyến đường ngang kết nối được đầu tư mở rộng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đang dần được thuận lợi.

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết, sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khánh thành, sắp tới cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng hoàn thành sẽ giúp đoạn đường cao tốc qua Bình Thuận tương đối hoàn chỉnh. Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Bình Thuận trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các dự án cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh thành trong nước đến Bình Thuận, thậm chí cả quốc tế, mở ra cơ hội lớn thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư tại địa phương.

Trong khi đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thành “xương sống” các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, kéo theo sự phát triển của bất động sản, du lịch xung quanh cũng như các ngành kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành đánh dấu mốc quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Ngày 16-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký văn bản gởi UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận về việc thay đổi thời gian tổ chức lễ khánh thành các dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào ngày 19-5 như dự kiến.

Đại diện Ban Quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm cho biết, mặc dù lễ khánh thành tạm hoãn nhưng nhà đầu tư đã hoàn tất hầu hết công việc và vẫn sẽ tổ chức thông xe hai tuyến cao tốc đúng ngày 19-5.