Giao dịch an toàn trong môi trường thanh toán số

|

NDO - Trước tình trạng các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, nhiều ngân hàng đã liên tục phát đi cảnh báo tới khách hàng của mình; đồng thời nghiên cứu triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín của ngân hàng, của khách hàng, nhất là đối với những người dân yếu thế bị hạn chế về công nghệ và thanh toán online…

Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng; người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng.

Theo công an, có nhiều nạn nhân bị các đối tượng giả mạo cán bộ công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công giả mạo chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại, sau đó thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt.

Thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng cổng dịch vụ công. Sau đó, để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ công an phường/công an quận thông báo: căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế,... và hướng dẫn cập nhật qua mạng. Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Sau khi chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn, chúng thường nhằm vào những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đơn cử như một trường hợp của người dân trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do bận nên người này đã được cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, người dân đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang tăng nhanh. Hiện cơ quan này đã nhận diện được 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở nước ta. Đáng chú ý, các đối tượng liên tục thay đổi nền tảng tiếp cận, đối tượng giao dịch và nhắm vào nhóm người yếu thế như người cao tuổi, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng...

Tin liên quan
Tiêu dùng cẩn trọng dịp lễ, Tết

Ghi nhận các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, nhiều ngân hàng đã liên tục phát đi cảnh báo tới khách hàng của mình. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bên cạnh việc cảnh báo còn giao cho Bảo hiểm Agribank nghiên cứu triển khai dịch vụ Bảo an Tài khoản nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín của Agribank và của khách hàng, nhất là đối với những người nông dân yếu thế hạn chế về công nghệ và thanh toán online…

Theo Agribank, khách hàng cần báo ngay cho ngân hàng là bị đánh cắp mất tiền và yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản ngay. Đây chính là cơ sở để Bảo hiểm Agribank chi trả bảo hiểm cho khách hàng. Cán bộ ngân hàng sẽ phối hợp với Bảo hiểm Agribank để triển khai các thủ tục bồi thường cho khách hàng.

Với giải pháp này, lợi ích của bảo an tài khoản là bảo vệ giao dịch thanh toán qua Internet khi khách hàng có tài khoản bị lừa đảo bởi các hành vi như: bị kẻ mạo danh cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng, tổng đài,… gọi đến yêu cầu chuyển khoản đến số tài khoản giả mạo; người dùng đăng nhập vào các trang web giả mạo và bị lộ thông tin; bị tấn công bởi các phần mềm độc hại/virus,… Đồng thời, Bảo hiểm Agribank còn bồi thường cho người được bảo hiểm các chi phí và thu nhập bị thiệt hại nếu trở thành nạn nhân của trộm cắp danh tính trực tuyến.

Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Agribank cũng khẳng định, với những giải pháp này thì người nông dân có thể vững tâm với xu thế số hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Hơn thế nữa, Chính phủ cũng có thể yên tâm đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số khi mà ngân hàng và người dân đều đã có những “lá chắn” với tội phạm mạng.