Bảo tồn nón lá Tày

|

Nhiều năm trở lại đây, đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang đã và đang đẩy mạnh việc bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Cùng với làn điệu Then hay tà áo chàm truyền thống thì nghề làm nón lá, vật phẩm gần gũi với người phụ nữ Tày cũng được quan tâm bảo tồn.

Chẳng ai biết chiếc nón lá của người phụ nữ dân tộc Tày có từ bao giờ, chỉ biết rằng đời này nối tiếp đời kia, chiếc nón rộng vành ấy vẫn gắn bó mật thiết với người dân cả khi lên nương, ra ruộng hay xuống phiên chợ huyện mỗi tuần. Chiếc nón còn có ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi, nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con.

Nón lá của người Tày có hai phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ hai tàu lá cọ. Phần bên trong được đan cầu kỳ với các mắt hình lục giác đều. Người đan được các mắt hình lục giác càng nhỏ bao nhiêu thì nón càng đẹp và bền bấy nhiêu. Một dây thổ cẩm được dùng làm quai nón tạo cho chiếc nón có dáng điệu đà đúng miền sơn cước. Chiếc nón của người Tày rất đặc biệt, có hai vành nón, vành trong nhỏ hơn nằm ở khoảng ba phần tư chiếc nón, chóp nón không nhọn như nón của người Kinh.

Bà Ðinh Thị Tình, 56 tuổi, thôn Tân Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa cho biết, từ khi biết cầm cái cuốc lên nương đã được mẹ dạy đan nón lá. Lá được chọn làm nón phải là loại bánh tẻ, không được già quá cũng không được non quá, khi làm nón mới có độ dai và độ trắng cần thiết. Lá lấy về được hơ qua lửa rồi đem phơi sương từ hai đến ba đêm cho khô và phai hết mầu xanh. Lá càng trắng làm nón càng đẹp. Trong các công đoạn làm nón, chọn lựa lá và làm phẳng lá là công đoạn đòi hỏi nhiều công phu, cẩn thận nhất, chỉ sau việc khâu nón, sơ sảy một chút lá sẽ bị giòn và rất dễ rách.

Có lẽ chính bởi sự tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón dân tộc Tày ngày càng ít, người biết làm nón lá chỉ còn các cụ cao tuổi yêu nghề và muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc. Họ cố bám trụ với nghề và mong muốn truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên.

Trước thực trạng nghề làm nón lá của người Tày có nguy cơ bị mai một, huyện Chiêm Hóa đã xây dựng phương án bảo tồn nghề làm nón của người Tày và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; chỉ đạo các xã, thị trấn vận động các thôn, bản phục dựng các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề đan nón lá; mời những người cao tuổi có tay nghề để truyền dạy cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, những nét đẹp truyền thống luôn có ý nghĩa đặc biệt, cần được bảo tồn, gìn giữ.