Nỗi lo của đồng bào Ơ Ðu tại khu tái định cư Văng Môn

|

Ðể thực hiện công trình Thủy điện Bản Vẽ năm 2005, đồng bào dân tộc Ơ Ðu đã rời bản, làng cũ của mình để về sống tại khu tái định cư bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Trải qua hơn 12 năm sống tại đây, với sự tác động của thời gian và do chất lượng công trình kém, khu tái định cư của đồng bào Ơ Ðu đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðặc biệt vào mùa mưa bão năm nay, nỗi lo của bà con về cuộc sống bất an ngày càng tăng.

Tường bong tróc, trần dột nát là thực trạng căn nhà của gia đình ông Lo Thắng Hải thuộc khu tái định cư bản Văng Môn. Ông Lo Thắng Hải cho biết, đã bốn năm nay, gia đình ông không dám sống trong ngôi nhà của mình, bởi vì toàn bộ ngôi nhà đã hư hỏng hết, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ðể bảo đảm tính mạng của cả gia đình, ông đã cùng vợ, các con đến nhà người quen để dựng lều ở tạm, dù không được rộng rãi, chắc chắn nhưng còn đỡ hơn là sống trong căn nhà tái định cư nguy hiểm luôn thường trực. "Nhà mới ở được vài năm mà tường rơi rụng hết, lấy tay bóc là ra cả mảng. Thiết kế chật hẹp, gỗ mái nhà bị mục, vào mùa mưa là dột, nền nhà ướt sũng nước. Bây giờ, nhà gần như hỏng hết rồi, tôi không biết phải làm thế nào cả, vì sửa cũng không sửa được, mà làm lại thì không có tiền...", ông Lo Thắng Hải chia sẻ.

Ðồng bào dân tộc Ơ Ðu của tám bản thuộc bốn xã Kim Ða, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương quy tụ về khu tái định cư bản Văng Môn. Ðây là dự án tái định cư thực hiện công trình Thủy điện Bản Vẽ, được khởi công xây dựng từ năm 2005, với hơn 102 hộ và 421 nhân khẩu. Sau khi đồng bào về đây sinh sống, Ðảng, Nhà nước và đơn vị đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ đã có nhiều chương trình dự án để giúp đồng bào Ơ Ðu phát triển, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, với sự tác động của thời tiết và do chất lượng công trình kém, hầu hết ngôi nhà trong khu tái định cư đã xuống cấp trầm trọng. Các báo cáo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây cho biết: Cả bản có 54 căn nhà do chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ xây dựng, thiết kế đã xuống cấp trầm trọng.

Năm 2013, có sáu hộ do nhà hư hỏng nặng, không thể ở được đã chủ động di dời đi nơi khác sinh sống. Hiện nay, số hộ di dời đã tăng lên 30 hộ. Trưởng bản tái định cư Văng Môn Mạc Thị Tím bức xúc nói: "Khi chủ đầu tư đến thuyết phục chúng tôi về đây sống, họ nói là nhà cửa đàng hoàng lắm, đẹp lắm, hơn nhiều lần nơi ở cũ. Nhưng thực chất không phải vậy, nhà xây không phù hợp với người dân miền núi, chất lượng kém. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng chưa có hồi âm, người dân chúng tôi rất bức xúc về vấn đề này".

Bên cạnh nhà ở, các công trình dân sinh như trường học, hệ thống nước sinh hoạt ở khu tái định cư bản Văng Môn cũng xuống cấp đáng báo động. Ðiểm trường bản Văng Môn thuộc Trường tiểu học Nga My, có năm phòng học và một phòng công vụ cho giáo viên, tất cả đã hư hỏng phần trần và mái. Phần tường chung quanh, trên bục giảng của giáo viên cũng bị mục nát, nứt hoàn toàn. Ðể bảo đảm cho việc dạy và học, các giáo viên ở đây đã phải căng phông, bạt để thay cho trần phòng học, tránh bụi bặm và che mưa, nắng. Nhưng giải pháp tạm thời ấy cũng không hiệu quả là bao, sau nhiều lần mưa bão, nước đọng trên bạt, rơi xuống làm ướt quần áo và sách vở của các em học sinh. Cô giáo Lang Thị Thơm dạy lớp 3 tại điểm trường Văng Môn tâm sự: "Các phòng học xuống cấp nghiêm trọng khiến chúng tôi rất lo, mùa nắng thì rất nóng, mùa mưa thì khổ vô cùng. Ðã có nhiều hôm chúng tôi phải cho học sinh nghỉ học giữa chừng vì mưa to quá, ngồi trong lớp mà cả cô và trò đều bị ướt".

Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Văn Ðậu cho biết: "Các công trình xây dựng ở khu tái định cư bản Văng Môn cho đồng bào Ơ Ðu chất lượng rất kém. Nhà cửa thì chưa ở đã hư hỏng, còn phòng học thì nhanh xuống cấp, nước sinh hoạt thì lúc có, lúc không, vì công trình làm không đúng thiết kế. Thế nhưng người dân không có kinh phí để xây dựng lại nhà cửa, khi mà hộ nghèo đã chiếm đến 60%. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và cuộc họp ở huyện, tỉnh, tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết".

Mùa mưa bão năm 2018 đã đến, kéo theo đó là nỗi lo của các hộ đồng bào Ơ Ðu tại khu tái định cư bản Văng Môn. Hơn lúc nào hết, các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư là Thủy điện Bản Vẽ cần có trách nhiệm cũng như giải pháp để giúp người dân Ơ Ðu sớm ổn định cuộc sống.