Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau

|

NDO - Chiều 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. 

Đến thị sát các tại Nút giao IC3, IC4 và IC5 của tuyến cao tốc này trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường; yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình.

Sau khi đi kiểm tra tại thực địa tại các công trường, tại trụ sở Ban điều hành Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và các Ban Quản lý dự án, nhà thầu đang thi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau tại khu vực Nút giao IC4 trên địa bàn xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Thanh Giang)

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đến nay, trên toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chỉ còn rất ít (khoảng 200m) ở địa bàn Cần Thơ, do đó đề nghị Cần Thơ nỗ lực hoàn thành công tác này; yêu cầu phải rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng. Thủ tướng cho rằng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền chưa được như mong muốn, chưa xem đây là công việc của mình, do đó phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; các cấp chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ hơn vì đây là lợi ích của chính các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị xã hội địa phương cũng phải vào cuộc.

Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu chính cũng phải huy động thêm các nhà thầu phụ ở địa phương cùng tham gia thi công. Đây không phải là việc của Trung ương mà việc chính của các địa phương, sớm đưa công trình vào vận hành thì địa phương sẽ hưởng lợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát công trường xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau tại khu vực Nút giao IC4 trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Thanh Giang)

Việc quan trọng nữa cần phải bàn là phải rút ngắn tiến độ thi công, nhất là phải tìm cách thay đổi biện pháp gia tải bù lún mà vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật vì chờ lún tự nhiên thì rất mất thời gian. Một việc nữa là tại sao vẫn thiếu vật liệu đắp nền, tại sao lại vẫn có tình trạng này, vướng ở đâu thì ở đó phải giải quyết. Việc nữa là phải kéo dài đoạn từ Cà Mau xuống Đất Mũi, do đó Bộ Giao thông vận tải cùng Cà Mau phải tiếp tục nghiên cứu hướng tuyến, có thể dài khoảng 60-70km nữa. Các tỉnh cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, không nên chỉ để các nhà thầu liên hệ.

Theo Thủ tướng, nếu các công trình làm đúng tiến độ thì không bao giờ đội vốn… Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị báo cáo đi thẳng vào vấn đề, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả cho thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công tại Nút giao IC4 thuộc Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh: Thanh Giang)

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau có chiều dài tuyển chính 110,85km (qua địa bàn thành phố Cần Thơ 0,6km, tỉnh Hậu Giang 63,65km, tỉnh Bạc Liêu 7,7km, tỉnh Kiên Giang 17km, tỉnh Cà Mau 21,9km) và 25,85km tuyến nổi; được chia làm 2 dự án thành phần (DATP) gồm đoạn Cần Thơ-Hậu Giang (dài 37,65km) và đoạn Hậu Giang-Cà Mau (dài 73,2km) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, gồm 4 gói thầu xây lắp, khởi công ngày 1/1/2023, tiến độ hoàn thành vào ngày 31/12/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiến độ xây dựng tại Nút giao IC3 trên địa bàn xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thuộc dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh: Thanh Giang)

Về công tác giải phóng mặt bằng: Đã bàn giao 110,85/110,85km tuyến chính (đạt 100%) và 25,65/25,85km tuyến nổi (đạt 99%); hiện còn vướng 200m phạm vi bãi rác thuộc tuyến nối IC2-Quốc lộ 1, địa phận thành phố Cần Thơ, đang được di dời, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024 (chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành trong tháng 10/2024).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công tại khu vực Nút giao IC3 trên địa bàn xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Thanh Giang).

Tình hình thi công: Để bảo đảm tiến độ hoàn thành vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công. Đến nay, các nhà thầu đã huy động 234 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực, tổ chức thì công 3 ca 4 kíp, sản lượng đạt 55/61% kế hoạch (chậm 6%). Trong đó, đã hoàn thành 45/117 cầu, các cầu còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2025, công tác đắp nền cơ bản hoàn thành trong tháng 12/2024. Một số nhà thầu đang chậm tiến độ như: VNCN E&C chậm 14,7%, Hải Đăng chậm 12% tại doạn Hậu Giang-Cà Mau. Tiến độ dự án chậm so kế hoạch chủ yếu do khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: Thanh Giang).

Công tác giải ngân: lũy kế giải ngân đến nay 14.353/14.766 tỷ đồng (đạt 97%), trong năm 2024 đã giải ngân 5.831/6.356 tỷ đồng (đạt 92%), đáp ứng kế hoạch.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu hoàn thành các tuyến cao tốc bắc-nam từ Cao Bằng đến Cà Mau là không thay đổi, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện, người dân, doanh nghiệp phải tham gia; dứt khoát đến ngày 31/12/2025, toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau phải hoàn thành, đây vừa là mệnh lệnh của trái tim, sự đòi hỏi của sự phát triển đất nước, sự trông đợi của nhân dân, vì vậy khó mấy cũng phải làm. Chính phủ rất quan tâm tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc nói chung, trong đó có các tuyến cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, do đó “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng tỉnh Cà Mau nghiên cứu đầu tư làm thêm đoạn Cà Mau xuống Đất Mũi, tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và giao tỉnh làm chủ đầu tư dự án.

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc: Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền thực hiện quản lý nhà nước chứ không chỉ có Bộ Giao thông vận tải; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội vận động bà con nhân dân trong vùng dự án nhường đất cho công trình; lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia hỗ trợ thi công bằng các hình thức như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm để anh em công nhân làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ. Các nhà thầu phải chia sẻ công việc với các nhà thầu địa phương những việc có thể làm được, tạo điều kiện, cơ hội, sự phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp này lớn mạnh với tinh thần “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển”; lưu ý không được để xảy ra tình trạng bán thầu mà hợp tác với nhau theo đúng quy định pháp luật. Những phần việc gì có thể làm thủ công thì huy động các lực lượng vũ trang như quân đội, công an vào cuộc hỗ trợ. Các tỉnh cũng phải tổ chức phát động phong trào thi đua hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến ngày 31/12/2025.

Thủ tướng đánh giá, việc giải quyết nguyên vật liệu cho công trình có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, liên quan tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai tập trung giải quyết bằng được. Thủ tướng nêu nguyên tắc, trong cùng một nước thì không thể có sự khác biệt lớn, không bình thường. Các tỉnh, sở, ngành phải kiểm tra lại việc cấp mỏ, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý. Riêng việc hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản mới, liên quan Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ phải hướng dẫn và có quan điểm rõ ràng, chỉ rõ chức năng của bộ, ngành với tinh thần “rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”.

Nhấn mạnh nếu một hạng mục chậm tiến độ cũng sẽ ảnh hưởng tiến độ chung toàn tuyến, Thủ tướng yêu cầu cần thay đổi biện pháp thi công, nhất là hạng mục gia tải chờ lún, do đó phải có biện pháp chủ động tác động như lăn, lu… theo yêu cầu kỹ thuật. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các nhà thầu trong việc này. Thủ tướng yêu cầu tất cả toàn tuyến phải thực hiện nghiêm túc, nếu cần hỗ trợ gì thì mà vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Thủ tướng mong các nhà thầu tích cực thi công “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương:, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”; các bộ, ngành phải phối hợp nhịp nhàng với nhau với tinh thần tất cả vì sự phát triển chung của đất nước, không được đùn đẩy trách nhiệm.

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng giao các địa phương liên quan phải tích cực giải quyết, nhất là cát, đá; trong đó phải kiểm tra lại giá nguyên vật liệu; yêu cầu tỉnh Tiền Giang kiểm tra lại vấn đề cung cấp cát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tiêu cực; liên quan mỏ Antraco, nạo vét sông Vàm Nao, tỉnh An Giang phải giải quyết dứt điểm, nhất là thủ tục đóng cửa mỏ để tiếp tục khai thác; chú ý tính toán hợp lý trên cơ sở khoa học việc khai thác cát, không để ảnh hưởng môi trường, gây xói lở.

Bộ Giao thông vận tải phải kiểm tra lại tiến độ của tuyến cao tốc này đang chậm 8% của năm 2024, trong đó có việc một số nhà thầu đang chậm tiến độ, làm rõ nguyên nhân, nếu các nhà thầu bị chậm do không đủ năng lực hoặc có hiện tượng bán thầu thì phải chấm dứt; chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp để giao bớt việc cho các địa phương. Tăng cường phân cấp, phân quyền. Do đó Bộ Giao thông vận tải cũng cần cải tiến cách làm.

Đối với một số dự án cao tốc và một số cầu trong khu vực cần sớm chọn được nhà thầu; các đơn vị tư vấn giám sát phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công trình đạt chất lượng, yêu cầu kỹ mỹ thuật, tránh kéo dài, đội vốn.

Các Ban Quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn cần rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn năm trước, không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cái gì đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn; hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.