Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án metro 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương

|

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu chủ đầu tư và các tư vấn, nhà thầu tiếp tục triển khai thi công đảm bảo an toàn chất lượng. Với những khu vực có điều kiện thi công chật hẹp thì phải đảm bảo tổ chức thi công, ứng dụng công nghệ hết sức hợp lý để tránh gây ùn tắc, môi trường và mỹ quan đô thị được đảm bảo.

Lễ khởi công công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương với kinh phí hơn 2 tỷ USD. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 22-6, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) tổ chức lễ khởi công công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương với kinh phí hơn 2 tỷ USD.

Đến dự lễ khởi công có Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM Lê Thanh Liêm, cùng đại diện các sở ban ngành.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 47.000 tỷ đồng).

Giai đoạn 1, từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng chiều dài khoảng 11,3 km, trong đó có 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao, với 11 nhà ga, chạy dọc đường CMT8 và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại quận 12 với diện tích 25 ha. Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách của TP.

Việc chuẩn bị mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án metro 2 nhằm đưa vào khai thác vào năm 2030. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo MAUR, việc khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và không gian ngầm, để bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025.

“Việc chuẩn bị mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 nhằm đưa vào khai thác vào năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. MAUR cam kết cùng với các nhà thầu, tư vấn và các bên tham gia dự án nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công tác xây dựng, di dời và tái bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2 đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Hiển cho hay.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220km với kinh phí hơn 25 tỷ USD. Vừa qua, TP tập trung thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành trong năm nay. Việc khởi công hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 (Bến Thành - Suối Tiên) nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyến này. Ngoài ra, TP cũng đang trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 kết nối nối tuyến metro số 1 đến metro số 2 từ Tân Cảng đến ngã tư Bảy Hiền.

Phó Chủ tịch UBND Bùi Xuân Cường yêu cầu chủ đầu tư và các tư vấn, nhà thầu tiếp tục triển khai thi công đảm bảo an toàn chất lượng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 rất quan trọng, dọc theo tuyến có nhiều hạng mục lớn như di dời đường điện cao thế, đường điện hạ thế, tuyến đường ống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thông tin tín hiệu liên lạc. Đây là bước triển khai rất quan trọng để bắt đầu triển khai thi công. Thời gian tới, TP sẽ nỗ lực thực hiện hoàn thành hạng mục di dời kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo 100% mặt bằng sạch trước khi thực hiện hạng mục chính, đặc biệt là những dự án có vốn ODA có yêu cầu rất khắt khe trong quản lý hợp đồng. Hôm nay đánh dấu bước đầu tiên triển khai thi công ngoài hiện trường cho tuyến metro số 2.

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường yêu cầu chủ đầu tư và các tư vấn, nhà thầu tiếp tục triển khai thi công đảm bảo an toàn chất lượng. Với những khu vực có điều kiện thi công chật hẹp thì phải đảm bảo tổ chức thi công, ứng dụng công nghệ hết sức hợp lý để tránh gây ùn tắc, môi trường và mỹ quan đô thị được đảm bảo.

Ông Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu không gián đoạn cung ứng dịch vụ hạ tầng dọc tuyến gồm cấp điện, cấp nước trong quá trình triển khai thi công. Đồng thời, tổ chức thi công tiết kiệm, tránh lãng phí, không tăng mức đầu tư khi triển khai dự án.