Nhiều ngân hàng Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm

|

NDO - Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings vừa tiếp tục công bố nâng xếp hạng tín nhiệm của một loạt ngân hàng sau quyết định nâng bậc tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên BB+, triển vọng dài hạn “Ổn định”.

Cụ thể, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn của ba ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank, Agribank lên mức BB+ từ mức BB trước đó với triển vọng Ổn định. Đồng thời, MB cũng được nâng hạng tín nhiệm lên mức BB cũng với triển vọng Ổn định.

Kết quả xếp hạng được thúc đẩy bởi việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Tích cực trong báo cáo xếp hạng quốc gia được công bố trước đó của Fitch.

Theo Fitch, môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Tổ chức này cũng nâng điểm môi trường hoạt động (OE) hệ thống ngân hàng với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.

Các điều kiện tín dụng đã dần được nới lỏng kể từ đầu năm 2023 nhờ hành động chính sách tiền tệ quyết đoán, phù hợp; đồng thời Fitch cũng kỳ vọng hiệu quả tài chính của ngành ngân hàng sẽ phục hồi vào năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng lên và biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại được cải thiện.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng sẽ được cải thiện khi nền kinh tế đang phục hồi, Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,3% vào năm 2024. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đánh giá về chất lượng tài sản ổn định, khả năng sinh lời được cải thiện… cũng góp phần nâng cao điểm tín nhiệm đối với nhóm ngân hàng này.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, trong một giai đoạn đầy biến động, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn thách thức, việc một số ngân hàng được tổ chức quốc tế Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm là tín hiệu rất tích cực.

Mặc dù việc các ngân hàng được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm là từ quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia, song phải khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng rất nỗ lực trong cải thiện sức khỏe tài chính, thanh khoản, quản trị, tăng cường áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế…

Tin liên quan
Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam

“Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa quan trọng giúp các ngân hàng tiệm cận các nguồn vốn vay quốc tế dễ hơn, tiết kiệm chi phí vì huy động được nguồn vốn với mức lãi suất tốt hơn. Bởi lãi suất phản ánh rủi ro khoản vay, khi ngân hàng nâng hạng tín nhiệm đồng nghĩa rủi ro sẽ giảm bớt đi”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhìn nhận.

Nhưng bên cạnh đó, dù đánh giá của Fitch Ratings về triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam tích cực hơn, song ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, với mức xếp hạng tín nhiệm như hiện tại cần phải cải thiện hơn nữa sức khỏe tài chính, vị thế, thương hiệu,… để củng cố lòng tin của nhà đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh, đầu tư tốt hơn.

“Tất nhiên, việc nâng bậc thứ hạng của các ngân hàng còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của quốc gia nữa”, ông Thành nhấn mạnh thêm.