Nỗi niềm người Tày Pọng

|

Tộc người Tày Pọng chỉ tập trung sinh sống ở bản Phồng, xã Tam Hợp và bản Tùng Hương, xã Tam Quang của huyện Tương Dương (Nghệ An). Hàng trăm năm qua, người Tày Pọng sống đoàn kết với đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Ðu, Kinh... trên vùng biên giới Tương Dương. Tộc người Tày Pọng vẫn giữ được tiếng nói của riêng mình; luôn chăm chỉ làm ăn, vươn lên trong cuộc sống, nhưng lại có những nỗi niềm mong mỏi...

Nguồn gốc của người Tày Pọng

Ngồi bên hiên nhà sàn, cầm trên tay tẩu thuốc, già làng Viêng Văn Phon bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương năm nay đã gần 90 tuổi, kể lại về gốc tích tộc người này. Già cho biết, ngày trước tộc người của ông sinh sống ở huyện Khăm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào, người dân chạy vào rừng để chạy trốn khỏi sự săn đuổi của giặc. Họ cứ nhắm rừng sâu, núi thẳm mà đi, đến những nơi vắng vẻ không có bóng dáng quân giặc; tìm nơi có dòng suối mát để dựng lán bằng lá chuối rừng sống tạm qua ngày, qua đêm; khi nào lá chuối bị vàng úa, hoặc khô héo họ lại di chuyển đến địa điểm mới để ở. Cuộc sống của họ tạm bợ lang thang nay đây, mai đó; thức ăn chủ yếu là củ nâu, rau rừng, măng rừng, còn thuốc men chữa bệnh là cây rừng và mật ong. Ði dọc theo các con khe, con suối biên giới Việt - Lào, cuối cùng người Tày Pọng cũng tìm được nơi định cư của mình tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Thời điểm họ đến lập bản chỉ có bốn hộ, 20 nhân khẩu, sinh sống ở gần bản người Thái.

Theo ông Vi Tân Hợi, nhà nghiên cứu dân tộc học địa phương cho biết: “Khác với tộc người Ơ Ðu đã mất đi ngôn ngữ riêng, phải mượn tiếng Thái để giao tiếp, người Tày Pọng vẫn giữ được tiếng nói của riêng mình, mặc dù quá trình giao thoa văn hóa, ngôn ngữ với các dân tộc trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiếng nói của người Tày Pọng lại không thuộc nhóm hệ ngôn ngữ nào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Tày Pọng cũng không có chữ viết và trang phục truyền thống riêng vì trước đây sống lang thang trong rừng sâu, chỉ dùng vỏ cây làm khố che thân. Cho đến ngày nay, cuộc sống của họ đã ổn định, quá trình giao lưu, trao đổi, họ đã tìm đến các bản làng người Thái, người Mông, người Khơ Mú để đổi lấy trang phục về dùng.

Những nỗi niềm

Tày Pọng thuộc tộc ít người trong cộng đồng sáu dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Tương Dương, với 185 hộ, 765 khẩu. Người Tày Pọng có hai họ là họ Viêng và họ Vi. Nhà ở của người Tày Pọng chủ yếu là nhà sàn giống dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Ðu. Mặc dù cũng là tộc ít người như dân tộc Ơ Ðu, nhưng tộc người Tày Pọng chưa được thừa nhận, cho nên chưa có chính sách riêng biệt để hỗ trợ phát triển.

Ông Vi Mạnh Cầm, người con của Tày Pọng, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HÐND xã Tam Hợp tâm sự: “Tôi còn nhớ vào năm 1999, đưa vợ ra Hà Nội chữa bệnh, họ kiểm tra trên hệ thống nói là không có dân tộc Tày Pọng cho nên không được ưu tiên, vì thế mà phải đóng viện phí cao, tốn rất nhiều tiền. Giờ cũng vậy, đến bệnh viện họ cũng điền tên vào thành phần dân tộc là “không biết”. Con cháu đi học để xin giấy ưu tiên cũng không được các trường thừa nhận, nhất là các trường chuyên nghiệp, vì mình không được thừa nhận là dân tộc thiểu số cho nên đành chấp nhận. Các chính sách của Ðảng, Nhà nước cũng được hưởng chung với các dân tộc khác trên địa bàn vậy thôi. Nhiều đoàn ngôn ngữ học, dân tộc học đến nghiên cứu, nhưng đến nay 20 năm rồi mà chưa có thông tin hồi âm gì cho chúng tôi”.

Nhờ sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, và chính quyền địa phương, con cháu của người Tày Pọng đều được đi học được hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, cho nên cuộc sống hiện nay đã có nhiều đổi thay, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 đến 7%. Bí thư Ðảng ủy xã Tam Hợp Vi Cảnh Toàn đánh giá: “Người Tày Pọng ở trong xã rất ít, chỉ chiếm hơn 20% so với đồng bào Thái, Mông. Họ luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ cũng rất tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...”.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương Quang Văn Ðặng chia sẻ: “Tại huyện Tương Dương, tộc người này vẫn được tính là một dân tộc, nhưng lại chưa được Nhà nước thừa nhận, cho nên không được hưởng chính sách ưu đãi gì. Ðó cũng là thiệt thòi cho họ”. Người Tày Pọng bày tỏ nỗi niềm với chính quyền địa phương về mong muốn được Nhà nước thừa nhận là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc
Việt Nam.