Khôi phục và phát triển cây quế Trà My

|

Sau một thời gian thăng trầm, đến nay, cây quế Trà My (Quảng Nam) đã dần được khôi phục, diện tích và sản phẩm đã và đang được mở rộng, khơi thông. Tuy nhiên, để phát huy giá trị thương hiệu quế Trà My cần phải có những bước đột phá mạnh mẽ, nhất là phải có sự liên kết giữa “bốn nhà”nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị đối với cây quế Trà My.

Gắn bảo tồn với phát triển

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, huyện Trà My (nay chia thành hai huyện: Bắc Trà My và Nam Trà My) từng được nhiều người biết đến với sản phẩm nổi tiếng: Quế Trà My. Thời đó, vỏ quế Trà My được xuất khẩu với giá rất cao, bán một cây quế khoảng hơn mười năm tuổi, số tiền thu về mua được một cây vàng, cho nên người dân ở các xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Mai, Trà Tập… có của ăn, của để. Tuy nhiên, sau đó, do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, lại thêm chất lượng quế Trà My giảm sút do nguồn cây giống từ phía bắc đưa vào trồng không bảo đảm chất lượng, cho nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, cuộc sống người trồng quế rơi vào cảnh khó khăn. Có nhiều nơi, người dân địa phương đành phải chặt bỏ nhiều héc-ta quế để trồng lại keo lá tràm và các loại cây ngắn ngày khác nhằm trang trải cuộc sống hằng ngày.

Điều đáng nói là, trong lúc thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá quế giảm sâu, nhưng nhiều nơi nằm trong vùng “thủ phủ” quế như: Trà Leng, Trà Dơn… người dân vẫn kiên trì giữ được những vườn quế bản địa hàng chục năm tuổi. Và cũng từ những vườn quế lâu năm này, mà thời gian gần đây, huyện Nam Trà My có nguồn hạt giống tốt để ươm và cung cấp rộng rãi cho người dân có nhu cầu phát triển cây quế. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, để giữ được thương hiệu hương quế Trà My, huyện khuyến cáo người dân thu hẹp và loại dần những giống quế du nhập từ các tỉnh khác vào và tìm mọi cách để nhân rộng các nguồn gien quý từ cây quế Trà My. Không phải bây giờ mà ngay sau khi tái lập huyện (năm 2003) đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Trà My đều đưa chỉ tiêu phát triển cây quế vào nghị quyết, coi đây là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Từ tháng 10-2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế vỏ Trà My đã tạo ra cơ hội mới cho việc phát triển cây quế trên địa bàn mười xã của huyện.

Hiện nay, tổng diện tích trồng quế toàn huyện khoảng 2.860 ha, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt khoảng 350 tấn, tăng 200 tấn so với năm 2011. Việc thu mua sản phẩm quế ngày càng được cải thiện, hầu hết các sản phẩm thu hoạch đều được các cơ sở chế biến, tư thương thu mua với giá cả hợp lý, cho nên đời sống của người dân được cải thiện. Hiện tại, ngoài huyện Nam Trà My, cây quế Trà My còn được nhân rộng ra các huyện như: Bắc Trà My: 589 ha; Phước Sơn: 380 ha và Tiên Phước: 150 ha...

Hình thành chuỗi giá trị

Hạn chế lớn nhất hiện nay khiến sản phẩm quế Trà My chưa vươn mạnh ra thị trường trong và ngoài nước là do chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Họ chỉ biết bán các sản phẩm thô, với giá bấp bênh, cho nên nguồn thu từ cây quế chưa ổn định. Do vậy, để bảo tồn và đầu tư phát triển cây quế Trà My theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng cây quế tại các huyện miền núi thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Tháng 5-2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu, với diện tích trồng cây quế Trà My đạt hơn 7.770 ha; trong đó, diện tích quế hiện có 3.760 ha và triển khai trồng mới 4.017 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn từ năm 2017 đến 2030 hơn 113 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 35 tỷ đồng, vốn vay 39 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và người dân gần 40 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, Quảng Nam ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển cây quế Trà My, thông qua tuyển chọn lâm phận quế Trà My hiện có ở các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý để chuyển hóa thành rừng cung cấp giống quế Trà My cho phát triển rừng; hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai quy hoạch các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nguyên liệu quế trong vùng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, với quy hoạch được phê duyệt, sắp tới, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu, bao gồm: Duy trì và phát triển vùng trồng quế đến năm 2030 ổn định là 10 nghìn ha trên địa bàn bốn huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Việc đầu tư phát triển cây quế theo hướng canh tác bền vững; nâng cao giá trị, hiệu quả của sản phẩm cây quế trong vùng; trồng thay thế những diện tích quế đã trồng có nguồn gốc từ nơi khác bằng giống quế Trà My; xây dựng tám héc-ta rừng quế Trà My giống chuyển hóa cung cấp hạt giống đáp ứng nhu cầu gieo ươm; tạo nguồn cây giống quế Trà My bảo đảm chất lượng... Theo đó, sẽ duy trì ổn định sản xuất đối với bốn cơ sở sơ chế và thu mua sản phẩm, một nhà máy sơ chế và chế biến tinh dầu hiện có tại huyện Bắc Trà My; khuyến khích kêu gọi xây dựng một nhà máy chế biến tinh dầu quế có quy mô lớn để bao tiêu các sản phẩm quế trong vùng. Đồng thời, xúc tiến thành lập từ 10 đến 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua và sơ chế sản phẩm tại các xã phát triển quế trong vùng; xây dựng năm cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân từ cây quế Trà My.