Nằm trên địa bàn TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc đang nuôi dạy hơn 2.500 học sinh từ lớp 9 đến dự bị đại học, đến từ nhiều miền đất khác nhau, là con em của 32 dân tộc thiểu số, trong đó có những dân tộc rất ít người với những bản sắc văn hoá khác nhau. Các em đều mong chờ đến chiều và tối 31-12-2019, thời điểm nhà trường tổ chức đón năm mới, Tết sớm trong khuôn viên trường.
Đối với các em, tuổi nhỏ đã qua, trưởng thành chưa đến, được nuôi, dạy trong môi trường nội trú, coi “ký túc xá là nhà, thầy cô giáo là cha mẹ, bạn bè là anh em” được Nhà trường tổ chức Tết sớm thật sự là bữa tiệc sum vầy của một gia đình lớn. Các em đều cảm nhận sự ân cần nuôi, dạy của các thầy, cô giáo, những người dìu bước, đồng hành dạy tri thức, dạy làm người, kỹ năng sống để bước vào đời.
Em Nguyễn Thị Ngọc Trâm, dân tộc Tày, học lớp 10A16 chia sẻ: “Khi nhận được giấy báo nhập học, em vừa vui mừng phấn khởi, vừa lo lắng không biết ngôi trường học tập mới như thế nào, cuộc sống mới ra sao. Nhưng vào trường, em thấy ngôi trường rộng lớn, các giảng đường khang trang sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi cho việc học tập, sinh hoạt, khu ký túc xá xanh, sạch, có sân chơi thể thao tiện lợi và nhà trường có bề dày truyền thống. Đặc biệt, hôm nay được đón Tết sớm trong không khí vui tươi, trong vòng tay chia sẻ của các thầy, cô giáo, bạn bè đầm ấm như ở nhà”.
Em Lù A Hồng, người dân tộc Mông, học sinh lớp 11A10 tâm sự: “Tết sớm được nhà trường tổ chức chu đáo, được chơi các trò chơi dân gian, biểu diễn các tiết mục văn nghệ của dân tộc mình, thăm các gian trưng bày các sản phẩm của các bạn dân tộc khác, được nhà trường mừng tuổi nên rất vui”.
Tết sớm được tổ chức trong khuôn viên nhà trường rợp bóng cây xanh, các lớp đều có gian trưng bày sản phẩm đặc trưng, mang hương vị quê nhà do tự các em làm ra, hoặc gia đình gửi đến, như bánh chưng xanh, bánh chưng đen, bánh trời, bánh khảo, lạp sườn, hoa quả các vùng miền... Trong không gian rợp bóng cây xanh của núi rừng, các em xúng xính trong những bộ quần áo truyền thống dân tộc mình, hồn nhiên hát then, đánh đàn tính, tung còn, thổi khèn, kéo co. Các hoạt động vui tươi này tạo ra không gian văn hoá đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số, thu hút nhiều người dân thưởng lãm. Buổi tối, các em dự buổi tất niên, đón chào năm mới với các tiết mục văn hoá, văn nghệ mang bản sắc các dân tộc do các bạn biểu diễn.
Cô Hiệu trưởng Lục Thuý Hằng mừng tuổi cho các em học sinh người H’Mông.
Cô Hiệu trưởng Lục Thuý Hằng chia sẻ: “Các em rất vui khi được nhà trường tổ chức đón Tết sớm, được hoà mình trong không gian văn hoá truyền thống, trải nghiệm, hiểu biết văn hoá của nhau sâu sắc hơn. Hoạt động này góp phần tích cực bảo tồn văn hoá, tăng cường đoàn kết học sinh giữa các dân tộc”.
Em Thào A Vàng, người dân tộc Mông ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái từng được nuôi, dạy tại trường, nay đã là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên về dự Tết sớm, xúc động: “Gia đình em rất khó khăn, nếu không được học dưới mái trường này, được nuôi, dạy chu đáo thì em không thể trưởng thành. Biết ơn mái trường thân yêu, coi thầy, cô giáo như cha mẹ nuôi dạy nên em về Trường để bày tỏ lòng biết ơn và đón Tết sớm dưới “Mái ấm vùng cao” này”.
“Mái ấm vùng cao” là tên mà các thế hệ học sinh thường nhắc về Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc với tình cảm đầm ấm, sự biết ơn chân thành. Tết sớm năm nay ở “Mái ấm vùng cao”, các em học sinh đồng bào dân tộc H’Mông được lãnh đạo nhà trường gặp mặt, mừng tuổi; các em có hoàn cảnh khó khăn được Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên trao tặng học bổng; cán bộ, giáo viên, các bạn quyên góp tặng quà, quan tâm, đùm bọc như người thân của mình.
“Mái ấm vùng cao”, ngôi trường được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, con em đồng bào dân tộc ít người từ Nghệ An trở ra được tuyển chọn về học, có chế độ nuôi, dạy chu đáo nhằm tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các địa phương. Ý thức rõ trách nhiệm cao cả này, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh đã xây dựng ngôi trường có bề dày truyền thống. Trường được trao danh hiệu Anh hùng Lao động, học sinh nhà trường có nề nếp, ý thức học tập. Kết quả các kỳ thi THPT quốc gia, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ đứng sau Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.
“Mái ấm vùng cao” sẽ không phai mờ đối với các thế hệ học sinh.