Chiềng Lương là một xã vùng 2 còn nhiều khó khăn của huyện Mai Sơn. Xã có 2.068 hộ, 10.200 nhân khẩu với năm dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm hơn 87%, sinh sống tại 19 bản. Đây cũng là cơ sở để Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương Cầm Văn Thỏa đề xuất phương án tuyên tuyền bằng tiếng dân tộc Thái. Ông trực tiếp nghiên cứu, dịch, biên tập nội dung văn bản từ tiếng phổ thông sang tiếng Thái rồi phát trên loa truyền thanh cho người dân trong xã cùng nghe. Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Văn Thỏa cho biết: “Trước diễn biến của dịch Covid-19, là người trực tiếp phụ trách công tác văn hóa - xã hội, tôi luôn trăn trở làm thế nào để người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, biết phòng tránh đúng cách. Ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày ở đây của người dân chủ yếu là tiếng Thái. Do vậy, nếu tuyên truyền được bằng tiếng dân tộc Thái sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân trong việc tiếp thu các thông tin để nhiều người hiểu và dễ dàng làm theo. Từ đó, tôi đã đề xuất xin ý kiến Đảng ủy xã và nhận được sự ủng hộ, giao nhiệm vụ dịch các nội dung từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc Thái để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở các bản trên địa bàn xã”. Trong quá trình biên dịch, một số khái niệm dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Thái khó diễn đạt, ông Thỏa phải mất thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến các cụ cao tuổi. Một số nội dung văn bản không liên quan nhiều đến cơ sở, ông lược bỏ cho ngắn gọn. Riêng nội dung về phòng, chống dịch, yêu cầu xử phạt, trách nhiệm của người dân nhằm hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh đã được xã quy định rõ ràng. Qua mỗi đợt tuyên truyền như thế, ông Thỏa lại cùng cán bộ xã, bản đi kiểm tra, nghe ý kiến phản hồi của người dân. Cách làm đó đánh giá được hiệu quả công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mai Sơn Đinh Việt Bắc nhận xét: Xã Chiềng Lương tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc Thái với cách biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu là một cách làm hay, cần được nhân rộng trong thời điểm này. Thực tế cho thấy, người dân tại các bản đã tiếp thu đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các văn bản của tỉnh, huyện. Việc này giúp xã giảm bớt giao ban, họp, chỉ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các bản đã chấp hành nghiêm như: Không tụ tập đông người, không tụ tập ăn uống như trước, nhất là người dân luôn đeo khẩu trang khi ra đường. Thậm chí, một số gia đình dự định tổ chức cưới hỏi, mừng nhà mới cũng đã chủ động trì hoãn.
Ông Giàng A Câu, bản Kéo Lồm, xã Chiềng Lương, một trong những hộ gia đình đã chủ động hoãn đám cưới của con gái để cùng xã, bản phòng, chống dịch Covid-19, chia sẻ: “Ban đầu nhiều người trong gia đình cũng không đồng ý hoãn đám cưới của các con. Sau khi được nghe tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và trực tiếp là cán bộ xã, bản đến tuyên truyền, giải thích, hai gia đình nhất trí hoãn việc tổ chức đám cưới của hai con lại. Qua nghe tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, chúng tôi hiểu là cần phải tăng cường vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc nhiều người, chấp hành việc đeo khẩu trang khi phải ra ngoài”. Còn ông Hà Văn Hùng, Trưởng bản Mờn 2, xã Chiềng Lương, tâm sự: Từ khi xã tuyên truyền bằng tiếng Thái, người dân nghe ai cũng hiểu. Sau khi nghe xã tuyên truyền, trong nhà mọi người lại nói cho nhau hiểu, cùng nhau chủ động quét dọn vệ sinh nhà cửa, vận động người thân giữ gìn vệ sinh cá nhân, không ra đường nếu không có việc cần thiết.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hiện nay tại xã Chiềng Lương người dân đã có ý thức chấp hành tốt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Người dân đã giảm hẳn việc tụ tập đông người, mọi người đều có ý thức đeo khẩu trang khi tiếp xúc, nói chuyện. Trong sinh hoạt hằng ngày không còn việc tụ tập đông người để uống rượu như trước, đường trong bản được vệ sinh sạch sẽ. Công tác quản lý người ra vào xã cũng như các bản đã được thực hiện nghiêm túc. Nếu trong bản có người đi lao động từ các địa phương khác về hoặc đi từ bên ngoài vào đều được thông báo đầy đủ đến lãnh đạo bản, xã.
Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ xã Chiềng Lương cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, xã đang tập trung các giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Xã Chiềng Lương đến nay vẫn còn 5 trong tổng số 19 bản chưa có điện cho nên không thể tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh. Do đó, xã kiến nghị với cấp trên ưu tiên nguồn lực giúp năm bản còn lại trong xã sớm có điện thắp sáng. Nếu có điện, công tác tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh sẽ hiệu quả, giúp người dân hiểu nhanh và chính xác hơn các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai các hoạt động trong xã, bản cũng thuận lợi, nhanh chóng.
Từ kinh nghiệm của xã Chiềng Lương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sơn La đã khuyến khích các địa phương trong tỉnh áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền miệng, bằng tiếng của từng dân tộc thiểu số nhằm đưa thông tin phòng, chống dịch Covid-19 đến với người dân nhanh, hiệu quả. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy lùi dịch bệnh.