Bảo đảm để Hiến pháp năm 2013 thật sự đi vào đời sống

|

NDO - NDĐT - Ngày 6-5, tại Hà Nội, Viện chính sách công và pháp luật phối hợp Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013”.

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội nói: “Hiến pháp định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước”. Theo đó, những nội dung cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước có sự phân công, phối hợp tương đối rành mạch.

Theo nội dung tham luận của giới chuyên gia, điểm mới và nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là sự ra đời của hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Các quy định của Chương X của Hiến pháp sẽ được các đạo luật cụ thể hóa. Vì vậy, cần phải bàn đến nguyên tắc tổ chức của hoạt động đặc thù của các thiết chế hiến định độc lập này. Các thiết chế hiến định độc lập cần có năng lực pháp lý cao trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, tạo mối liên hệ phối thuộc với các thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước và bảo đảm để các thiết chế cơ bản này vận hành có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần giới hạn thẩm quyền của các thiết chế hiến định độc lập, bảo đảm để sự giám sát của các thiết chế này không cản trở hay can thiệp vào chức năng và thẩm quyền của các thiết chế quyền lực nhà nước.

Phát huy tinh thần dân chủ, công tâm trong sinh hoạt khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà khoa học cùng làm rõ nội hàm các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013, phát hiện những giá trị kế thừa, những giá trị mới làm giàu thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta về Hiến pháp, về tổ chức bộ máy nước trong giai đoạn mới góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Ban Tổ chức cho biết, sau hội thảo này, Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Chính sách công và Pháp luật sẽ lựa chọn và có hình thức thích hợp để công bố những kết quả nghiên cứu khoa học về Hiến pháp, về tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013 trong các Viện nghiên cứu, trường đại học và trong xã hội.

Nhiều chuyên đề sâu đã được trình bày tại hội thảo, đề cập những vấn đề chung mang tính định hướng về tổ chức bộ máy nhà nước; các chuyên đề về Quốc hội và chế định Chủ tịch nước; về Chính phủ và Tư pháp; về chính quyền địa phương và các thiết chế Hiến định độc lập theo Hiến pháp năm 2013...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thật sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.