Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Sơn La Trần Kim Thành là người năng nổ, nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm các điểm du lịch cộng đồng ở thành phố. Vừa đi vừa kể chuyện, chị cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng, ở đây người ta vẫn nói vui là: Ngủ bản. Ngoài nghĩa ngủ, nghỉ thì ngủ bản còn là đến chơi, thăm, giao lưu sinh hoạt cộng đồng.
Chuyện ăn, ngủ theo phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái được hình thành từ xa xưa, gắn với thiên nhiên, bởi vậy có nét đặc sắc riêng. Các món ẩm thực chế biến trộn nhiều gia vị, măng rừng, cơm nếp dẻo, cá nướng thơm... nếu một lần thưởng thức thì nhớ mãi. Ở vùng núi khí hậu lạnh, được ngủ trong chăn đệm ấm làm bằng vải bông, ở trong ngôi nhà sàn hài hòa với thiên nhiên, mang lại cho du khách cảm giác êm đềm, bình yên. Đó chính là những yếu tố quan trọng để triển khai mô hình nhà nghỉ lưu trú du lịch cộng đồng (homestay) ở TP Sơn La.
Nói về tiềm năng du lịch, TP Sơn La là điểm đến lý tưởng, với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, núi non hùng vĩ. Nơi đây có con suối Nậm La uốn lượn qua những cánh đồng lúa, bản làng, có hệ thống hang động Thẳm Tát Tong, Khau Pha, hồ chứa nước bản Mòng, suối khoáng… Vào mùa xuân, đồng bào thường tổ chức lễ hội hoa ban, Hạn Khuống, sự kiện lịch sử văn hóa dâng hương đền thờ vua Lê Thái Tông. Các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, giao lưu nghệ thuật giữa các mường, bản đã làm cho vùng đất này có sức cuốn hút riêng, hấp dẫn du khách.
Cách đây 10 năm, khi TP Sơn La được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, lãnh đạo thành phố đã đề ra hướng phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng vì nhiều lý do, chỉ hai năm trở lại đây, việc phát triển du lịch mới được khởi động. Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 8-4-2016 về phát triển du lịch đến năm 2020, thực hiện đề án phát triển du lịch, thành lập quy hoạch khu du lịch sinh thái, hỗ trợ các bản xây dựng du lịch cộng đồng… Đầu năm 2017, thành phố đã chọn bốn gia đình làm thí điểm thực hiện mô hình nhà nghỉ lưu trú cộng đồng. Bốn hộ được lựa chọn đều có cơ sở vật chất khang trang, nhà sàn đẹp, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ. Bên cạnh đó, các bản đều có thiết chế văn hóa, đội văn nghệ, môi trường phù hợp để phát triển du lịch. Những điều kiện cần và đủ đều đã hội tụ làm cho mô hình du lịch cộng đồng ở TP Sơn La phát triển nhanh chóng.
Chúng tôi đến thăm homestay Tiến Quân, ở bản Bó, phường Chiềng An. Bản Bó có 264 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống lâu đời nằm ngay vùng ven thành phố. Ngôi nhà sàn hai tầng làm bằng gỗ rất đẹp, rộng rãi, có thể phục vụ 30 khách nghỉ. Từ tháng 7-2017, bắt đầu khai trương cho đến nay gia đình anh Quân đã đón 170 đoàn khách, với 1.035 lượt khách nghỉ, thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Anh Quân chia sẻ: Thu nhập cũng quý, nhưng trước hết là sự hài lòng của khách. Phần lời đã nằm trong tiền nghỉ rồi cho nên giá dịch vụ chỉ thêm chút ít. Giá dịch vụ, ăn nghỉ ở đây được niêm yết, quy định cụ thể, được thành phố và công ty giám sát, thí dụ: ngủ 70.000 đồng/người, ăn 150.000 đồng/người. Trước khi triển khai mô hình, các hộ đã được thành phố cho đi tham quan học tập kinh nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai), Lâm Bình (Tuyên Quang), Văn Chấn (Yên Bái). Thông qua tư vấn, học tập thêm bên ngoài, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Homestay Tiến Quân còn tổ chức các tua đi thực tế thăm hang Thẳm Tát Tong, đến khu sinh thái đầm sen, cánh đồng hoa… Khi du khách hỏi về phong tục tập quán, lễ nghi sinh hoạt của đồng bào dân tộc đều được gia chủ giải thích cặn kẽ, cho nên mọi người rất thích thú. Vừa kể, anh Quân lấy ra một cuốn sổ, cho chúng tôi xem những trang viết bằng nhiều ngôn ngữ, chữ ký của khách du lịch nói lên cảm tưởng tốt đẹp sau mỗi đợt trải nghiệm, lưu trú tại đây.
Lãnh đạo thành phố Sơn La cho biết, thành công vừa qua mới chỉ là bước đầu. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là sẽ phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tinh thần đó cũng đã được truyền tải và thống nhất đến từng người dân, nhất là các hộ đang thực hiện lưu trú cộng đồng. Trong năm 2018, thành phố hỗ trợ các hộ xây dựng nhà nghỉ cộng đồng theo tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, quan tâm đến thiết kế, kiến trúc, tiện nghi, khu vực vệ sinh, không gian sinh hoạt cộng đồng… Hỗ trợ các bản được công nhận du lịch cộng đồng củng cố thiết chế văn hóa, phát triển thêm các sản phẩm du lịch, khôi phục nghề truyền thống, củng cố các đội văn nghệ… Từ thành công của mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở TP Sơn La, rất có thể trong thời gian không xa, nơi đây sẽ tập trung thành điểm dừng chân của các tua du lịch lớn trong hành trình qua miền Tây Bắc.