Xuân ấm vùng cao

|

Khi những cành đào thắm nụ đang theo dòng xe cộ xuống đồng bằng đón Tết, cũng là lúc chúng tôi ngược lên Sơn La để đến với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Những năm qua, cơ sở hạ tầng ở Sơn La đã thay đổi nhiều, cuộc sống của người dân cũng đã vơi bớt khó khăn, song đây vẫn là một trong những tỉnh thuộc "lõi nghèo" của cả nước.

Áp lưng vào huyện Mộc Châu, cách quốc lộ 6 chừng 21 km, xã vùng cao Chiềng Tương có tám tháng mùa khô kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau với những ngày đông rét nhiệt độ xuống thấp 2 đến 3oC, ngày hè nắng nóng chói chang. Sông suối không nhiều, kết hợp với mùa khô kéo dài, nguồn nước khan hiếm, một số bản trong xã thiếu nước sinh hoạt cả tuần. Mùa mưa cũng chẳng dễ trồng trọt bởi lũ lụt thường xuyên, gây ngập úng, làm trôi hoa màu và nông sản. Bởi vậy, cái nghèo đeo bám mảnh đất nhiều năm qua. Toàn xã đều là người dân tộc Mông, bao gồm: 889 hộ, 4.491 nhân khẩu, nhưng có tới 571 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 64,2%; hộ cận nghèo là 62 hộ, chiếm tỷ lệ 6,97%. Những con số này dù còn cao nhưng cũng là cả một sự chuyển biến lớn của xã khi dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đang ngày càng phủ rộng. Tính đến ngày 31-12-2018, tổng dư nợ toàn xã đạt gần 11,4 tỷ đồng với 434 hộ còn dư nợ; toàn xã không có nợ quá hạn.

Trên đường đi, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Ðào Minh Tú chia sẻ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84% cơ cấu dân số toàn tỉnh Sơn La. Năm 2018, số hộ nghèo dù đã giảm 9.462 hộ, song tỷ lệ hộ nghèo vẫn hơn 25,4% với 71.797 hộ; và 11,05% hộ cận nghèo. Chính vì vậy, Công đoàn ngân hàng đã chọn Sơn La là điểm đến của chương trình từ thiện trong dịp Xuân này với quy mô hỗ trợ trên diện rộng tại 10 xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới thuộc 10 huyện. Cũng bởi khó khăn còn đeo đẳng, vì thế 200 túi quà mà Công đoàn Ngân hàng trao tặng cũng đồng nghĩa với 200 hộ dân có một cái Tết đủ đầy cả về vật chất và tinh thần, góp thêm niềm tin của đồng bào nơi biên cương Tổ quốc với Ðảng và Nhà nước.

Nhận túi quà Tết, ông Giàng Lao Tộng, bản Pa Kha 3, xã Chiềng Tương không chỉ vui vì Tết này gia đình ông có một cái Tết no đủ mà càng thêm hiểu nghĩa tình mà ngành ngân hàng đã dành cho ông và gia đình bởi chỉ chưa đầy 5 năm trước, gia đình ông còn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn, thường xuyên thiếu ăn. Ðất đai có ít, nhưng không có nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Chính vì vậy, năm 2015, được sự quan tâm của chính quyền và NHCSXH, ông đã vay vốn chương trình hộ nghèo 25 triệu đồng để trồng và chăm sóc những cây mận hậu đầu tiên trên diện tích đất của mình. Sau ba năm chăm chút, lấy công làm lãi, 1 ha mận đã cho thu nhập 25 triệu đồng vào năm 2018, dự kiến thu nhập năm 2019 được hơn 35 triệu đồng. Nguồn thu này dù chưa đủ để gia đình ông thoát nghèo năm 2019, nhưng cái đói đã không còn bủa vây gia đình ông trong những ngày giáp hạt.

Cũng như gia đình ông Tộng, gia đình ông Giàng Lao Khúa, bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương cũng bắt đầu phát triển kinh tế từ cây mận. Năm 2016, được vay vốn chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng, gia đình ông đầu tư chăm sóc 150 cây mận với diện tích khoảng 2.000 m2, cho thu nhập mỗi năm từ 30 đến 40 triệu đồng. Từ nguồn thu này, gia đình đã mua thêm được một con trâu sinh sản, hiện nay đã đẻ thêm được một con nghé. Năm 2019, hộ ông Khúa chưa thoát nghèo, nhưng với tiềm lực kinh tế hiện tại, cán bộ NHCSXH dự tính cuối năm 2020 gia đình ông sẽ thoát khỏi diện hộ nghèo.

Không chỉ có 200 hộ dân ở Chiềng Tương, 1.800 hộ dân của chín xã vùng khó khăn, xã biên giới thuộc chín huyện khác của Sơn La cũng đã được trao quà Tết trong dịp này, mỗi suất quà trị giá 750 nghìn đồng, trong đó có 500 nghìn đồng tiền mặt. Ðoàn cũng đã tặng áo ấm cho 333 em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nà Ớt (huyện Mai Sơn) và thăm Ðồn Biên phòng Chiềng Tương. Trước đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn ngành đã tặng ba tỷ đồng để xây dựng mới trường học; 550 triệu đồng xây dựng cầu treo, 350 triệu đồng xây nhà bán trú cho học sinh, góp phần tạo môi trường cho con cháu đồng bào được học tập, mở rộng thêm cánh cửa thoát nghèo bằng tri thức.

Trao gửi đồng bào những món quà mang đậm yêu thương, chia sẻ của cán bộ ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú hy vọng đồng bào mạnh dạn hơn nữa trong tư duy, thay đổi tập quán sản xuất sang sản xuất hàng hóa để gia tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế. Những món quà dịp Tết chỉ mang tính hỗ trợ tức thời, động viên các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Món quà có tính "sâu rễ, bền gốc hơn cả" vẫn là hệ thống cung ứng tín dụng truyền dẫn vốn hiệu quả đến tận từng thôn bản, làng xã trên khắp mọi miền đất nước cũng như Sơn La mà NHNN "căng mình" ra xây dựng và vận hành trong thời gian qua. Ðó là việc kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân, tạo sinh kế cho người dân từ các chính sách tín dụng "đặc thù" của NHCSXH cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Theo số liệu, tổng dư nợ đến ngày 31-12-2018 của NHCSXH chi nhánh tỉnh Sơn La đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tăng 12,13% so cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các tổ chức tín dụng trong hệ thống, trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tạo việc làm cho người nghèo và đối tượng chính sách…

Chia tay Sơn La khi hoa mận đã bật trắng gốc hứa hẹn một vụ mùa bội thu mới, đoàn công tác NHNN và các đoàn viên công đoàn đều tin tưởng nỗ lực của toàn ngành ngân hàng trong việc xây dựng và thực thi chính sách tín dụng sẽ hòa cùng dòng chảy phát triển kinh tế địa phương để phát huy hiệu quả. Từ đó, những chuyến hàng từ thiện mang Tết đến cho người nghèo sẽ thưa vắng dần khi con đường thoát nghèo bền vững ngày càng rộng mở.