Chăm lo, nâng cao đời sống cho đồng bào
Tỉnh Bắc Cạn có 86% số dân là đồng bào DTTS, gồm bảy dân tộc cùng sinh sống là: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Trọng tâm trong công tác dân tộc được tỉnh xác định là tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân.
Phja Khao là thôn có đông đồng bào Dao của xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi đá, không có đất ruộng cho nên nhiều năm liền tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ hiệu quả ban đầu của một hộ dân, xã và các ban, ngành của tỉnh đã hỗ trợ thôn thành lập hợp tác xã (HTX) trồng cây su su mang lại thu nhập cao. Tháng 6-2018, HTX Phja Khao ra mắt gồm bảy thành viên, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Hợp thổ nhưỡng và khí hậu quanh năm mát mẻ, cây su su cho ngọn liên tục trong sáu tháng, giá bán hiện nay tại vườn từ 10 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg. Với diện tích 4 ha hiện có, được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP, mỗi ngày, HTX thu trung bình hai tạ ngọn, mang lại thu nhập khoảng hai triệu đồng. Đặc biệt, cây su su có thể cho cắt ngọn khoảng 10 năm mới cần trồng thay thế, công chăm sóc ít, do vậy đã trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực hiệu quả của thôn. Sản phẩm ngọn su su của HTX Phja Khao được chứng nhận đạt OCOP (Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”) ba sao trong năm 2018. Nhờ trồng su su, đời sống của bà con dân tộc Dao thôn Phja Khao đã trở nên khấm khá. Trong hai năm tới, bà con đặt mục tiêu nhân rộng diện tích lên 20 ha để hướng tới làm giàu.
Tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Cạn chiếm 5,5% số dân, phần lớn sinh sống ở vùng núi cao, xa xôi, cho nên kinh tế kém phát triển. Bắc Cạn tập trung nguồn lực để mở đường, xây trường học, đưa điện về các thôn, bản, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp... Thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn có 100% số dân là đồng bào Mông. Những năm gần đây, từ nguồn lực các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo..., các hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi. Mỗi năm, thôn trồng mới từ 30 đến 40 ha rừng, đến nay, toàn thôn đã có gần 300 ha rừng trồng. Thôn đã có điểm trường mầm non và tiểu học, tạo điều kiện tốt hơn cho trẻ em DTTS nơi đây được đến lớp đúng độ tuổi. Từ nguồn vốn dự án đầu tư hạ tầng các khu dân cư đồng bào Mông, tỉnh đầu tư hơn 80 tỷ đồng xây dựng tuyến đường lên thôn Lũng Lịa (Ngân Sơn), thôn Đồng Luông (Chợ Mới), thôn Cốc Nghè (Pác Nặm), đường Pù Lùng - Xuân Lạc (Chợ Đồn) đi Na Hang (Tuyên Quang).
Theo Tỉnh ủy Bắc Cạn, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, hệ thống kết cấu hạ tầng, đời sống các dân tộc trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến đáng mừng. 100% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm, điểm bưu điện văn hóa, thư viện, phủ sóng phát thanh, điện thoại di động; 96,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỉnh có 318 trường học, trong đó có 83 trường đạt chuẩn quốc gia; 96 trong tổng số 122 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 21%, hộ khá, hộ giàu tăng lên.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể
Là một tỉnh nhỏ, ít dân, nhưng đồng bào các DTTS ở Bắc Cạn sở hữu 13 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đứng thứ năm cả nước. Xác định nâng cao đời sống gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa từng dân tộc, Bắc Cạn đã có những chủ trương, chính sách, tập trung mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của các dân tộc.
Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết, đối với đồng bào dân tộc Mông ở xã Cổ Linh, lễ hội Mù Là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm là sự kiện trọng đại. Tuy nhiên, trước năm 2013, lễ hội này diễn ra ở quy mô nhỏ, nhiều nét truyền thống gần như mai một. Từ năm 2013, huyện tập trung nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn. Từ đó, vào ngày mồng ba và mồng bốn tháng Giêng hằng năm, lễ hội lại diễn ra trên đỉnh Mù Là, thu hút hàng nghìn người trong tỉnh và ngoài tỉnh về tham dự. Tại vùng hồ Ba Bể, trước nguy cơ mai một nghề dệt truyền thống của người Tày, Bắc Cạn đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án bảo tồn, như: dự án 3PAD dạy dệt thủ công truyền thống; bảo tồn làng văn hóa thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách. Thôn Pác Ngòi hiện duy trì ổn định khoảng 10 hộ theo nghề. Các sản phẩm dệt thủ công truyền thống đa dạng về hình thức, mẫu mã đã trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường và được nhiều khách du lịch ưa chuộng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn, đến nay, tỉnh đã kiểm kê 291 di sản văn hóa phi vật thể; lập hồ sơ khoa học 18 di sản, trong đó 13 di sản đã được công nhận cấp quốc gia, như: “Múa khèn của người Mông ở Bắc Cạn”, “Chữ viết của dân tộc Dao”, “Nghi lễ quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Cạn”, “Lễ cấp sắc của then Tày”, “Chữ Nôm của dân tộc Tày”... Tỉnh triển khai bảy dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trên địa bàn tỉnh, như: “Đám cưới người Nùng Giang, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm”, “Nghi lễ đám tang của người Nùng Phàn Sình, xã Xuân Dương, huyện Na Rì”...
Bên cạnh những thành tựu quan trọng góp phần tạo nên sự đổi thay đáng kể ở vùng đồng bào DTTS thì công tác dân tộc ở Bắc Cạn cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: cơ sở hạ tầng còn thiếu, kinh tế vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, một số hủ tục còn tồn tại... Đồng bào dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ nhỏ, sinh sống tại nhiều vùng khó khăn nhưng lại không được hưởng nhiều chính sách như các dân tộc khác. Do đó, Bắc Cạn kiến nghị Trung ương xem xét cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang rừng trồng; tính đến tiêu chí tỷ lệ DTTS khi xem xét phân bổ ngân sách Nhà nước hằng năm; hỗ trợ đồng bào phát triển cây dược liệu.