Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án \"siêu cảng\" biển Cần Giờ

|

Chiều 18-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

>>> Clip Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án "siêu cảng" biển Cần Giờ

Về phía lãnh đạo TPHCM, có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Trên tàu cao tốc đang di chuyển ra địa điểm dự kiến xây "siêu cảng" biển Cần Giờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nghe thuyết minh dự án cảng biển. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.

Theo đề xuất, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).

Thủ tướng Phạm Minh Chính di chuyển lên tàu cao tốc đi khảo sát thực địa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về công nghệ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là công nghệ cảng xanh. Nhà đầu tư cũng cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ.

Việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố.

Bên cạnh đó, sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Hội nghị đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Theo đó, Hội đồng điều phối vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Phó Chủ tịch Thường trực; Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ GTVT; Bộ trưởng Bộ KH-CN; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ TN-MT.

Các ủy viên là Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: KH-ĐT, Công Thương, TT-TT, GD-ĐT, Tài chính, NN-PTNT, Y tế, LĐTB-XH, VH-TT-DL, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh.