Tạo nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật

|

Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực có tính đặc thù này. Trong giai đoạn hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức mới, việc huy động các nguồn lực góp phần giúp văn học, nghệ thuật phát triển và phát huy vai trò trong xã hội đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới, cần sự định hướng, giải pháp phù hợp.

Bài 1: Đổi mới đầu tư cho sáng tác

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp văn học, nghệ thuật có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển. Từ đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án về chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ; đặt hàng, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm có giá trị…, được các văn nghệ sĩ hết sức hoan nghênh, ủng hộ, đánh giá cao. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để việc đầu tư, hỗ trợ này hợp lý, xứng đáng, phát huy hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tại  hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tháng 12/2021, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Bộ phối hợp các hội, cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Với những cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, giải pháp quản lý văn học, nghệ thuật hiệu quả, đề án sẽ tạo cú huých, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ. Đặc biệt, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước dành cho hoạt động văn học, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới cần có sự điều chỉnh.

Thực tế cho thấy, những năm qua, mô hình trại sáng tác được các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương tổ chức hằng năm, quy tụ tác giả theo từng chuyên ngành, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ dành thời gian tập trung sáng tác những tác phẩm chất lượng.

Hình thức hỗ trợ hằng năm cũng giúp các tác giả thêm một phần kinh phí để thâm nhập thực tế, chi phí cho nguyên vật liệu, chất liệu sáng tác, hoặc ấn bản hóa, ghi âm tác phẩm… Ngoài kênh đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua các hội chuyên ngành, lực lượng quân đội, công an cũng có những chương trình đầu tư theo mô hình trại sáng tác hoặc đặt hàng, xét duyệt tác phẩm theo chủ đề, tiêu biểu có thể kể đến là: chiến tranh cách mạng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống…

Những việc làm hiệu quả nêu trên giúp động viên, cổ vũ và góp phần thiết thực vào “lao động nghề” của văn nghệ sĩ. Đó là điểm ưu việt đáng trân trọng trong chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tác. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả tốt hơn, cần thẳng thắn nhận diện những hạn chế nhằm điều chỉnh, bổ sung cách làm mới, phù hợp hoàn cảnh xã hội cũng như hoạt động sáng tác nói chung hiện nay; kịp thời nắm bắt, đón đầu những biến đổi của thời cuộc để có biện pháp thích ứng.

Việc đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật dù thời gian qua được chú trọng nhưng khó lòng bao quát, rộng khắp được đến mọi lĩnh vực, đối tượng. Ngoài ra, chính vì ngân sách đầu tư có hạn và lượng tác giả rất đông đảo nên mức hỗ trợ phải chia nhỏ. Đó cũng là lý do sự hỗ trợ, tài trợ đôi khi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, nhất là trong bối cảnh giá cả đời sống xã hội không ngừng tăng cao, trong đó bao gồm cả những chi phí thiết yếu dành cho việc hoàn thành, “trình làng” tác phẩm như in sách, mua sắm họa phẩm, ghi âm ca khúc, dàn dựng tác phẩm trình diễn…

Bên cạnh đó, mô hình trại sáng tác được duy trì, cũng mới bước đầu hỗ trợ các tác giả làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, thường là từ 7 đến 10 ngày. Song để hoàn thành, đưa tác phẩm đến công chúng lại là cả một quãng đường dài phía trước và trong nhiều trường hợp, tác giả phải tự thân vận động, khiến không ít người thấy nản.

Những hạn chế, thiếu hụt trong đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua cho thấy cần có một sự đổi mới từ cách nhìn nhận, đánh giá hoạt động sáng tạo, cho đến việc huy động những nguồn lực về mọi mặt ngay từ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương,…

Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa ngày càng được đề cao, các giá trị văn hóa đang được bổ sung, bồi đắp, nhằm phát huy hết sức mạnh, vai trò là nguồn lực xây dựng nền tảng xã hội, tâm hồn, đạo đức con người.

Do đó, sức mạnh, giá trị của văn học, nghệ thuật càng cần được nhận thức, đánh giá đầy đủ và thấu đáo hơn. Văn học, nghệ thuật với khả năng tác động vào suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn, nhận thức công chúng, sẽ tạo nên nguồn năng lượng dồi dào bồi đắp xã hội văn hóa, tư cách và phẩm chất văn hóa của con người, đề cao bản chất và mục tiêu nhân văn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Văn học, nghệ thuật, do vậy, xứng đáng được đề cao, trân trọng hơn cũng như cần được lan tỏa rộng rãi hơn vào cuộc sống. Dĩ nhiên, đó phải là những tác phẩm có giá trị đặc sắc, được tôn vinh thông qua sự thẩm định về chuyên môn. Và để góp phần vào hành trình tạo nên các tác phẩm mới đặc sắc, độc đáo, thì sự hỗ trợ thiết thực hơn, xứng đáng hơn từ chính sách đầu tư của Nhà nước, ngành văn hóa, hội nghề nghiệp là rất cần thiết. 

Cụ thể, cần nâng cao các mức kinh phí hỗ trợ, tài trợ cho công việc thâm nhập thực tế, tham gia trại sáng tác, sáng tạo tác phẩm của các văn nghệ sĩ để người làm nghề yên tâm, tập trung cho các dự án sáng tạo lớn, cũng như các hoạt động sáng tác của mình.

Việc phân chia mức kinh phí hỗ trợ cho sáng tác không thể dàn đều giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau mà cần căn cứ vào đặc thù nghề nghiệp và những chi phí liên quan các hình thức sáng tác, trường hợp sáng tác cụ thể. Hình thức hỗ trợ, tài trợ nên được thay đổi theo hướng lựa chọn đầu tư tập trung, đầu tư có chiều sâu, đầu tư tương xứng với tài năng, tâm huyết, giá trị sáng tạo mà văn nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm. 

Ở đây, sẽ nảy sinh một vấn đề liên quan sự thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật sau khi hoàn thành để có sự ghi nhận xứng đáng bằng kinh phí, vật chất. Sẽ khó lòng thực hiện được công việc này từ trước và ngay cả trong quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Như vậy, hình thức tài trợ, hỗ trợ bằng cách chi một khoản tiền nhất định từ trước khi tác giả sáng tác, xây dựng tác phẩm cần được chuyển sang giai đoạn “hậu tác phẩm”. Vì vậy nên có hình thức xét tài trợ cho tác phẩm căn cứ trên chất lượng sau khi hoàn thành. Xét duyệt trên cơ sở chất lượng thuyết phục của tác phẩm sẽ chuẩn xác, đúng đắn hơn cả. Và kinh phí của Nhà nước, ngành văn hóa, hội nghề sẽ được tập trung cho các tác phẩm xứng đáng chứ không chi theo kiểu “cào bằng”, “vui cả làng”. 

Ngoài cách làm căn cứ vào chất lượng “hậu tác phẩm”, hình thức đặt hàng, đầu tư sâu cho hoạt động văn học, nghệ thuật cần thúc đẩy mạnh hơn nữa theo cách “chọn mặt gửi vàng”: chọn lựa và mời hợp tác những văn nghệ sĩ đã có uy tín trong giới nghề qua những thành tựu được ghi nhận; tìm kiếm những gương mặt mới tài năng, sung sức.

Mặt khác, có thể chia ra các giai đoạn để đầu tư từng phần, từ khâu ý tưởng, đề cương cho đến việc hoàn thành mỗi phần, đoạn, bộ phận của tác phẩm. Song song đó, hội nghề nghiệp, đơn vị đặt hàng cần căn cứ vào quá trình lao động, hiệu quả hoàn thành từng phần tác phẩm để đầu tư. Và cũng căn cứ vào chất lượng của tác phẩm để quyết định việc đặt hàng, đầu tư cho các dự án, tác phẩm tiếp theo.

Việc khai thác, hợp tác với các văn nghệ sĩ có uy tín-như một sự “bảo hành” trong giới nghề và công chúng-là giải pháp đầu tư có trọng điểm, trân trọng tài năng và xây dựng một tương lai khả quan cho sự ra đời các tác phẩm tốt.

Đa dạng hóa cách đầu tư thông qua việc thẩm định tác phẩm và “thẩm định tác giả” như trên sẽ góp phần tạo ra những giải pháp linh hoạt trong việc triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tác với mục tiêu cao nhất là có được tác phẩm tốt và đánh giá xứng đáng tâm huyết văn nghệ sĩ.

Ngoài ra, trong thực tế đời sống hôm nay, việc lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật ra công chúng, cộng đồng là điều cần thiết. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cho sáng tạo, cần chú trọng đầu tư cho việc công bố, quảng bá, phát hành tác phẩm. Đây là một tập hợp những công đoạn, thao tác mới mẻ, gắn với các phương pháp, thành tựu truyền thông hiện đại vốn không thuộc chuyên môn, không phải sở trường của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là lớp người trung, cao tuổi.

Hơn nữa các văn nghệ sĩ tài năng, nhiệt thành sáng tác thường tập trung cho sáng tạo, ít có điều kiện dành thời gian, công sức giới thiệu, quảng bá, truyền thông tác phẩm của mình. Đầu tư cho hoạt động này chính là con đường góp phần đưa tác phẩm, tên tuổi văn nghệ sĩ đến với khán, thính giả sâu rộng hơn, cũng như giúp công chúng, xã hội được thưởng thức văn học, nghệ thuật thường xuyên hơn.

Tâm tư, nguyện vọng của nhiều người làm văn học, nghệ thuật cho thấy họ rất mong muốn có sự nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng các giải pháp, chính sách phù hợp hơn đặc thù của lĩnh vực này nhằm phát huy hiệu quả chủ trương, đường lối cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức, hội nghề nghiệp với văn nghệ sĩ một cách chu đáo hơn, hợp lý, xứng đáng hơn.

Dù rằng sáng tạo là công việc mang tính cá nhân của mỗi nghệ sĩ, song họ cũng rất cần những điều kiện và một môi trường thuận lợi để hoạt động sáng tạo phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn học, nghệ thuật của nước nhà.

(Còn nữa)