Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

|

(Tiếp theo và hết) (★) Bài 3: Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở thật sự tiêu biểu Để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS), cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực đổi mới quy trình lựa chọn, bố trí, luân chuyển và cơ chế, chính sách đối với CBCS. Kết quả tuy tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động của CBCS, nhưng quá trình thực hiện vẫn có khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có phương hướng giải quyết để chủ trương đúng đắn trên phát huy hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ðổi mới trong đánh giá, bố trí cán bộ

Ðể chọn được những CBCS thật sự tiêu biểu cần đặc biệt quan tâm quy trình công tác cán bộ, ngay từ khâu lựa chọn, bố trí đến luân chuyển, điều động. Tuy nhiên đặc điểm đội ngũ CBCS của chúng ta là trình độ, năng lực không đồng đều. Ngược lại với hầu hết CBCS khu vực đồng bằng, thành phố đã đạt và vượt chuẩn, khá đông CBCS khu vực nông thôn, miền núi hiện chưa đạt chuẩn hoặc trình độ chắp vá. Khác biệt này là trở ngại khi so sánh, đánh giá chất lượng CBCS. Dù vậy, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, nhiều cấp ủy đã có những giải pháp nhằm đánh giá đúng cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS.

Năm 2016, Huyện ủy Bảo Yên (Lào Cai) chuyển vị trí công tác của đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Bảo Hà do có họ hàng, người thân tác động làm giảm sút năng lực lãnh đạo, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, gây bức xúc trong nhân dân. Tương tự, năm 2019, một chủ tịch UBND phường thuộc quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) phải điều chuyển nhận công tác khác, do không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu trong giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng Trần Quang Tuấn chia sẻ, để đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng gắn với hiệu quả công việc được giao, năm 2018, Quận ủy xây dựng, thực hiện quy chế, trong đó nêu rõ cán bộ, công chức hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì phải điều chuyển. Quy định này chặt chẽ, sát sao hơn đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó đã tác động tích cực đến chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ CBCS, xóa hẳn tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".

Từ năm 2017, Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) quy định trước khi cấp ủy, chính quyền đánh giá, xếp loại cán bộ và đảng viên thì lấy phiếu tín nhiệm của đại diện MTTQ và các tổ chức đoàn thể đối với từng cán bộ, công chức. Thành phần tham gia lấy phiếu tín nhiệm gồm các bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, đại diện MTTQ và các đoàn thể. Kết quả đánh giá là một kênh quan trọng để Ðảng ủy, UBND xã xem xét khi đánh giá, xếp loại công chức. Nhiều địa phương vừa tổ chức lấy ý kiến của đại diện nhân dân, đồng thời lấy ý kiến của những người hoạt động không chuyên trách nhằm tạo thêm căn cứ để cấp ủy đánh giá chính xác hơn năng lực của đội ngũ CBCS, xóa bỏ tình trạng cào bằng trong đánh giá cán bộ trước đây.

Cùng với đổi mới công tác đánh giá cán bộ, cấp ủy nhiều địa phương chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS thông qua thi tuyển đầu vào, thu hút nhân lực chất lượng cao và tăng cường luân chuyển cán bộ gắn với bố trí lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương. Ở tỉnh Bắc Kạn thời gian qua, đã có 40 cán bộ huyện được luân chuyển về xã; 34 cán bộ xã được luân chuyển ngang. Từ công tác luân chuyển này, tỉnh Bắc Kạn đã bố trí được 13 đơn vị cấp xã có bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương. Công tác luân chuyển cũng góp phần tạo nguồn, phục vụ công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Cao Bằng, Thanh Hóa, Lâm Ðồng… cũng chú trọng công tác luân chuyển này để vừa rèn luyện cán bộ, vừa củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương "ngại" tiếp nhận và chưa quan tâm giúp đỡ, dẫn đến cán bộ được luân chuyển về khó phát huy năng lực. Về công tác luân chuyển, bố trí cán bộ cấp ủy không là người địa phương cấp huyện, xã, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du cho biết, việc thực hiện khá thuận lợi vì có thể chỉ định tham gia và giữ chức vụ. Thế nhưng, đối với các chức danh do HÐND cùng cấp bầu thì khó thực hiện, bởi vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương. Ở cấp huyện, việc luân chuyển lãnh đạo phòng đi cũng tạo ra "khoảng trống" trong đội ngũ lãnh đạo còn lại, cho nên tỉnh hiện chỉ cơ bản bố trí cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Với cấp xã, tỉnh phấn đấu đạt 25 đến 30% vào cuối năm 2020.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Năm 2012, chị Hoàng Thị Nghĩa nhận nhiệm vụ là cán bộ nông, lâm nghiệp xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Chị thường xuyên về thôn, bản, phải dắt xe lội suối, đi bộ, có lần ngã xe trẹo cả chân. Hiện chị Nghĩa đã về công tác tại xã Xuân La, tuy gần nhà hơn nhưng những khó khăn thì vẫn chưa vơi bớt. Ngày nào chị cũng có mặt ở các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất sao cho hiệu quả. Trung bình, cứ hai ngày chị đi hết một bình xăng đầy (giá 50 nghìn đồng) trong khi tổng tiền lương chỉ hơn sáu triệu đồng/tháng. Chồng chị là cán bộ không chuyên trách cấp xã, thu nhập rất thấp. Khoản lương của chị dành trả lãi tiền vợ chồng chị vay ngân hàng để làm nhà...

Theo Sở Nội vụ tỉnh Ðồng Nai, vất vả, xa xôi, thu nhập thấp cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ CBCS trên địa bàn luôn không ổn định, khá nhiều trường hợp xin nghỉ việc vì chế độ lương, phụ cấp thấp so với mặt bằng chung. Khắc phục khó khăn này, khi sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy, nhiều địa phương bố trí CBCS kiêm nhiệm nhiều chức danh. Chẳng hạn như tỉnh Yên Bái thực hiện bố trí một cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm hai đến ba chức danh, như phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HÐND; trưởng công an kiêm văn phòng thống kê... Bí thư Ðoàn Thanh niên kiêm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, Yên Bái) Nguyễn Thị Diện cho biết hiện hệ số lương của chị là 2,34. Việc được hưởng thêm 50% phụ cấp khi kiêm nhiệm đã phần nào giúp chị và gia đình bớt khó khăn, tập trung thời gian nhiều hơn cho nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Thị Máy, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), việc gì cũng vậy, kể cả cưới hỏi, ma chay, thăm người ốm,... chị đều có mặt. Với mức phụ cấp như hiện tại, thu nhập dành cho gia đình và bản thân còn chẳng được là bao. Do vậy, nói hầu hết CBCS làm việc chủ yếu bằng cái tâm là sát thực tế.

Thực tế còn rất nhiều tâm tư của CBCS về chế độ chính sách. Trong 16 cán bộ, công chức của xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 13 người có trình độ đại học với hình thức đào tạo tại chức hoặc vừa học, vừa làm. Tiền lương và phụ cấp hằng tháng còn thấp, vì thế, hầu hết CBCS ở đây vẫn phải tranh thủ làm kinh tế hộ (chủ yếu làm nông nghiệp) vào các ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính để thêm nguồn trang trải sinh hoạt gia đình. Không ít người thừa nhận, vừa phải nâng chuẩn trình độ, vừa phải bươn chải bên ngoài, cho nên rất khó khăn để toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Từ những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Ðồng Ðinh Văn Tuấn cho rằng, cần cụ thể hóa các cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả thực tế; nâng cao chất lượng tuyển dụng "đầu vào", bảo đảm khâu chuẩn hóa và tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo chuyên sâu; có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Cùng với đó, nâng cao vai trò cấp ủy, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCS và kiểm điểm, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức phải đi vào thực chất. Xây dựng đội ngũ CBCS phải bám sát điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc, phẩm chất đạo đức; đối với công chức chuyên môn phải từng bước chuyên nghiệp hóa và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của đội ngũ này.

Sắp xếp, tinh giản gắn với nâng cao chất lượng

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước đã sáp nhập cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ, chức năng tương đồng; giảm biên chế tại các cơ quan hành chính sự nghiệp; xây dựng đề án vị trí việc làm. Ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền cũng tập trung mạnh việc tinh giản, sắp xếp lại mô hình tổ chức hệ thống chính trị vốn được xem là cồng kềnh, kém hiệu quả. Nhiều địa phương như tỉnh Yên Bái đã quyết liệt, tập trung sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chí quy định, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách, tăng cường cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm chức danh… Tại tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2016 đến nay đã giảm 215 cán bộ, công chức xã và 1.207 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tiết kiệm chi tiêu hơn 22 tỷ đồng/năm.

Trước thực tế việc sắp xếp, tinh giản đã làm xáo trộn và gây tâm tư trong đội ngũ CBCS, nhiều cấp ủy đã triển khai kế hoạch, phương án sắp xếp, tinh giản gắn với bố trí, luân chuyển, điều động cán bộ để bảo đảm hài hòa giữa hoạt động bộ máy và quyền lợi cán bộ. TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sáp nhập 16 phường của tám quận. Tại quận 10, theo tính toán, số lượng CBCS dôi dư sau khi nhập phường 3 vào phường 2 là 34 người; phường 6 vào phường 7 là 26 người. UBND quận 10 dự kiến sau khi sắp xếp sẽ điều động một số vị trí nhân sự là cán bộ chủ chốt, công chức dôi dư về các cơ quan chuyên môn, đơn vị còn thiếu biên chế. Với người hoạt động không chuyên trách, quận sẽ sắp xếp phù hợp; trường hợp không thể bố trí công tác khác, quận sẽ tinh giản. Tại Bắc Kạn, sau khi sắp xếp, tỉnh sẽ điều chuyển các bí thư đảng ủy xã, chủ tịch UBND xã, chủ tịch HÐND dôi dư theo hướng ngang bằng hoặc cao hơn. Với chức vụ phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch HÐND, phó chủ tịch UBND sẽ giữ nguyên số lượng tại đơn vị hành chính mới cho đến khi điều chuyển đến vị trí khác.

Cùng với bố trí, luân chuyển CBCS, nhiều địa phương thực hiện đổi mới phương pháp tuyển chọn, thu hút nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS. Huyện Bảo Yên (Lào Cai) mới đây thực hiện tuyển chọn CBCS qua công việc thực tế. Phương châm chỉ đạo là giữ vững nguyên tắc, tiêu chuẩn; từng vị trí, chức danh cần tuyển dụng được phổ biến công khai đến nhân dân, phát huy vai trò giám sát, góp ý, phản biện của đoàn thể chính trị - xã hội. Ban Thường vụ Huyện ủy lập tổ công tác trực tiếp về các xã phỏng vấn, tuyển chọn. Kết quả tuyển chọn được 76 đồng chí (một thạc sĩ, 40 cử nhân, sáu cao đẳng, 20 trung cấp) vào các chức danh cán bộ, công chức xã. Theo đồng chí Dương Ðức Huy, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, cách làm này qua kiểm tra cho thấy hầu hết cán bộ được tuyển chọn đã phát huy năng lực, trình độ, có nhiều đóng góp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thị xã Thuận An là địa phương đi đầu của tỉnh Bình Dương trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Thị xã hiện có chín phường, một xã với diện tích 83,71 km2, dân số 594.230 người, trong đó hai phần ba là tạm trú. Năm 2018, bộ phận một cửa UBND thị xã Thuận An phải giải quyết 65.959 hồ sơ, bình quân một ngày khoảng 260 hồ sơ; bộ phận một cửa UBND các xã, phường tiếp nhận và giải quyết 329.588 hồ sơ. Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An Ðỗ Thanh Sử cho rằng, nhờ năng lực của CBCS ngày càng nâng cao và việc bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn, trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức đã góp phần giải quyết nhanh mọi việc. Từ năm 2016 đến nay, chỉ số cải cách hành chính của Thuận An có hai năm ở vị trí thứ hai và một năm ở vị trí thứ tư của tỉnh.

Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì đối với đội ngũ CBCS không chỉ có sáp nhập hay vận dụng cơ chế chính sách mà còn rất nhiều yêu cầu khác. Ngày 24-4-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92-2009/NÐ-CP ngày 22-1-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo đó, Chính phủ thay đổi chế độ, mức phụ cấp theo hướng tăng thu nhập, bảo đảm đời sống cũng như động viên, tạo động lực để đội ngũ CBCS phấn đấu. Thế nhưng, cùng với đó sẽ là tinh gọn đội ngũ CBCS và nâng cao mức chuẩn trình độ đội ngũ này.

Mới đây, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, với nội dung không tổ chức HÐND tại các phường thuộc quận, thị xã. Như vậy, để thực hiện sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy sẽ ngày càng có nhiều mô hình, tổ chức mới tác động đến đội ngũ CBCS. Thực tế này đặt ra yêu cầu bên cạnh các giải pháp tạm thời, đã đến lúc các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có những nghiên cứu về lý luận, tổng kết thực tiễn, đánh giá làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ CBCS trong hệ thống chính trị cũng như xây dựng đề án vị trí, việc làm từng chức danh, từ đó xác định đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ CBCS thật sự chất lượng, tiêu biểu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 17, 18-12-2019.

BÀI 2: Ðổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện

BÀI 1: Sự hạn chế về trình độ, năng lực và những khó khăn khách quan