Vụ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 55: Kiến nghị ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp

|

Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 55, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; đồng thời kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Ngày 1-8, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết đã có báo cáo gởi Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến tình hình sạt lở, hư hỏng trên tuyến Quốc lộ 55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kết hợp với địa hình đèo dốc nên đã xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương, lở đất đá, cây cối ngã đổ tràn lấp rãnh, lấp lề, mặt đường, xói lở mái taluy… trên tuyến Quốc lộ 55, đoạn qua xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận).

Quốc lộ 55 qua tỉnh Bình Thuận xảy ra 43 điểm sạt lở

Theo thống kê, tại khu vực trên đã có khoảng 43 vị trí bị sạt lở, trong đó có 7 vị trí sạt lở nặng gây ách tắc giao thông cục bộ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức điều động lực lượng, tổ chức cắt dọn cây cối, đào dọn đất đá sạt để đảm bảo lưu thông trên tuyến; đặt biển cảnh báo, giăng dây phản quang tại các vị trí có nguy cơ sụt trượt để cảnh báo, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Đến thời điểm hiện tại, các vị trí sạt lở taluy dương gây tắc đường đã được san dọn một phần mặt đường, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông thông.

Để khắc phục các thiệt hại tại khu vực trên, Sở GTVT kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; đồng thời kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp và cho chủ trương để Sở GTVT Bình Thuận tổ chức thực hiện công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên tuyến.

Nhiều nơi ở tỉnh Bình Thuận ngập nặng

Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết đến sáng 1-8, nhiều địa phương trong tỉnh đã ghi nhận nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra trong những ngày qua.

Trong đó, tại huyện Hàm Thuận Bắc, trong khoảng 3 ngày qua, mưa lớn ở thượng nguồn đổ về đã gây ngập 726ha cây nông nghiệp, tại các xã Hồng Sơn, Thuận Minh, Hàm Thắng, Đông Tiến,…

Ông Nguyễn Anh Tài (ngụ xã Hồng Sơn), cho biết; "Gia đình trồng được hơn 5 sào bắp, chuẩn bị gần đến lúc thu hoạch thì nước lũ đổ về cuốn trôi tất cả. Giờ thì trắng tay".

Nước lũ tràn về khiến nhiều nơi của tỉnh Bình Thuận bị ngập và thiệt hại cây trồng

Ghi nhận tại nhiều điểm ngập lụt trên, nước lũ đổ về rất nhanh và mạnh nên các loại cây nông nghiệp đổ rạp xuống đất, thiệt hại rất nặng.

Nhiều diện tích lúa tại huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) bị nước lũ cuốn trôi

Tại huyện Tánh Linh, tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn ước tính đã lên đến hơn 60 tỷ đồng (thống kê đến ngày 30-7 là trên 32 tỷ đồng). Trong đó, mưa lũ gây thiệt hại 2.600ha sản xuất nông nghiệp gồm lúa, hoa màu.

Tại huyện Đức Linh, nhiều nơi trên địa bàn có mưa vừa đến mưa rất to kéo dài kèm theo lốc xoáy. Nước từ thượng nguồn các sông, suối chảy về lớn, thoát không kịp đã gây ngập úng, ngã đổ khoảng 400ha cây nông nghiệp; hơn 500 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Mưa lũ còn khiến hơn 3.400m đường giao thông bị tràn, ngập nước, xói, sạt lở;...

Đến nay, các địa phương bị thiệt hại đã huy động lực lượng sẵn sàng để hỗ trợ các hộ dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời, huy động lực lượng xung kích, phối hợp với nhân dân khơi thông kênh tiêu và bơm thoát lũ, chăm sóc cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ đang diễn ra, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc đến các đơn vị, địa phương liên quan về kiểm tra, tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất và chủ động phòng, chống ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.