Phát huy vai trò giám sát của nhân dân

|

Xác định vai trò quan trọng của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, Tỉnh ủy Bình Phước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện tại Bình Phước nhiệm kỳ vừa qua là đề cao quy chế dân chủ cơ sở và nâng cao chất lượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương.

Coi trọng giám sát từ cơ sở

Coi trọng giám sát của nhân dân ngay từ cơ sở, các cấp ủy đảng tại Bình Phước triển khai nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, trong đó chú trọng việc công khai và tuyên truyền các nội dung người dân được biết, được bàn, kiểm tra, giám sát. Nhiều cấp ủy cơ sở tích cực chỉ đạo thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, huy động đóng góp tích cực, trực tiếp của nhân dân vào công việc chung tại làng bản, thôn xóm, khu phố, góp ý xây dựng cấp ủy, chính quyền, cán bộ cơ sở.

Hằng năm, căn cứ vào từng chương trình, dự án xây dựng được triển khai, các xã, thị trấn của huyện Hớn Quản thành lập các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng từ 5 đến 10 thành viên. Đó là những bà con nhiệt tình, hăng hái, giàu kinh nghiệm. Các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng có nhiệm vụ theo dõi quá trình triển khai công trình, dự án theo quy chế dân chủ ở cơ sở, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu báo cáo giải trình, cung cấp thông tin những vấn đề nhân dân có ý kiến, kiến nghị.

Cách làm này mang lại hiệu quả cao, hầu hết các công trình, dự án được nhân dân giám sát trên địa bàn huyện Hớn Quản đều bảo đảm tính công khai, minh bạch, đúng tiến độ, đúng chất lượng.

Tại thành phố Đồng Xoài, trong giai đoạn phát triển từ thị xã lên thành phố, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi, giám sát hàng loạt các dự án giao thông nông thôn với số vốn hơn 22 tỷ đồng, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại nhiều địa phương cũng phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị cấp ủy, chính quyền. Từ năm 2018 đến nay, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 2.400 cuộc giám sát đối với gần 2.300 công trình; phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 612 công trình sai phạm, thu hồi số tiền, hiện vật trị giá gần 300 triệu đồng.

Cùng với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng phát hiện nhiều sai sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước của cấp ủy, chính quyền địa phương và vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Ban Thanh tra nhân dân xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh khi giám sát về lề lối làm việc cán bộ đã phát hiện và tám lần kiến nghị với Chủ tịch UBND xã chấn chỉnh thái độ, tác phong thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức xã với nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành qua giám sát phát hiện cán bộ xã cấp phát tiền hỗ trợ Tết cho hộ nghèo không kịp thời, gây bức xúc cho nhân dân, đồng thời kiến nghị chính quyền xã xử lý.

Vừa qua, Ban Thanh tra nhân dân xã Bom Bo, huyện Bù Đăng thực hiện giám sát, đã phát hiện một cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã có sai phạm trong chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng chính sách, gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức 1.968 cuộc giám sát, qua đó phát hiện, kiến nghị nhiều ý kiến đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền xã và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước nhận định, giám sát của nhân dân đã góp phần xây dựng và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số nơi, vai trò giám sát của nhân dân chưa được coi trọng. Cụ thể tại một số chương trình, dự án, chủ đầu tư, chủ dự án, nhà thầu chưa quan tâm, chủ động phối hợp tổ chức giám sát đầu tư cộng đồng; còn hiện tượng né tránh, chậm cung cấp hồ sơ, gây không ít khó khăn cho việc giám sát của nhân dân nhưng chưa được chính quyền nhắc nhở.

Khắc phục hạn chế này, Tỉnh ủy Bình Phước đề ra yêu cầu người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, trang bị vật chất để các tổ chức Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu Đại hội MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 đặt ra là phấn đấu hơn 70% dự án đầu tư trên địa bàn cộng đồng được tổ chức giám sát theo quy định.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát

Đi đôi với phát huy tinh thần giám sát trực tiếp của nhân dân, các cấp ủy đảng tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh. Phương châm là phát huy tính chủ động, từ sớm, từ xa, tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân.

Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Phước tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình giảm một nghìn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) đối với các đơn vị: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Bình Long, UBND các huyện: Hớn Quản, Bù Đốp, Phú Riềng.

Qua giám sát, đoàn đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành kế hoạch thực hiện của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học-kỹ thuật giúp người dân; phối hợp theo dõi, cập nhật thông tin về những khó khăn, vướng mắc từ địa phương, cơ sở chưa kịp thời…

Sau khi có kết quả giám sát và kiến nghị của MTTQ tỉnh, việc triển khai Chương trình đã tiến triển nhanh, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cùng với giám sát trực tiếp, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 186 cuộc giám sát tại các sở, ban, ngành trong tỉnh về việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động trong triển khai nhiệm vụ giám sát. Nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì giám sát 16 đợt tại các cơ quan, đơn vị, 11 huyện, thị xã, thành phố và 134 doanh nghiệp. Công đoàn trực thuộc chủ trì và tham gia giám sát đối với 1.341 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung giám sát tập trung các vấn đề, như: chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, chính sách về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường…

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh chủ trì, phối hợp tham gia 765 đợt giám sát cùng MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức giám sát các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới; việc thực hiện chính sách, pháp luật, các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em... Qua giám sát cho thấy, các chính sách cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời. Đối với một số khó khăn, hạn chế, kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát đều được các cấp, các ngành quan tâm tiếp thu để thực hiện.

MTTQ cấp huyện và xã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hơn hai nghìn cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung liên quan thiết thực đến quyền lợi của nhân dân như: thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số...

Dù đạt nhiều kết quả nhưng thực tế công tác giám sát của nhân dân tại Bình Phước cho thấy còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập. Rõ nhất là trong công tác phối hợp hoạt động giám sát, phản biện. Trong giám sát, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm về thời gian gửi báo cáo, tài liệu phục vụ cho công tác giám sát theo yêu cầu. Việc tiếp thu, giải trình, giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát đôi lúc còn chậm.

Từ góc độ cơ quan thực hiện, đồng chí Nguyễn Tấn Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng cấp ủy, chính quyền các cấp cần có văn bản quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát. Có cơ chế cụ thể, khả thi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; vai trò của các ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức tư vấn của MTTQ và cá nhân tiêu biểu trong tham gia giám sát.

Đây là giải pháp cơ bản giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực giám sát của MTTQ các cấp hiện nay. Quy định rõ trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị; chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát hoặc lợi dụng quyền giám sát để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. Đây là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát có hiệu lực.

Theo đồng chí Hoàng Minh Quang, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, để phát huy hiệu quả công tác giám sát, MTTQ các cấp cũng cần tự đổi mới. Trước hết là đổi mới việc lựa chọn nội dung giám sát theo trọng tâm, trọng điểm gắn với những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Muốn vậy, MTTQ các cấp cần sâu sát nhân dân, nắm bắt kịp thời những vấn đề người dân đang quan tâm để định hướng, xây dựng, lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, đồng thời phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Làm sao để sản phẩm của hoạt động giám sát phải là những kiến nghị thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Có như vậy mới làm tốt vai trò đại diện của nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo yêu cầu Đại hội XIII của Đảng đề ra.