Vào WTO, rồi sao nữa?

|

Vào WTO, rồi sao nữa?

Vào WTO

Để dễ hình dung, các nước trong WTO giống như ở biển Vũng Tàu, Việt Nam thì giống như ở sông Sài Gòn. Cả hai đã có từ lâu, nhưng sông không hòa với biển. Bây giờ sông muốn điều kia. Biển bèn bảo sông: “Anh phải mở rộng bờ ra, đào sâu lòng xuống thì tôi mới cho”. Mười một năm qua Chính phủ ta đáp ứng đòi hỏi kia.

Thương mại thì do các doanh nghiệp làm. Họ giống như các loại tàu bè đi lại trên sông. Khi Chính phủ mở rộng bờ, đào sâu sông, thì người bị tác động là các doanh nghiệp. Và chính các doanh nghiệp hưởng hay chịu kết quả của việc “sông hòa biển” kia. Họ bị hay được xô ra biển! Họ phải hành động hoặc đáp ứng. Ở trên biển thì họ sẽ gặp nhiều tàu thuyền lạ, từ ở trong sông ra, từ ở biển vào. Phải cạnh tranh với các tàu thuyền khác. Ấy là thách thức. Cạnh tranh khỏe, vượt lên được, ra đại dương. Đó là cơ hội cho họ. Trong cuộc cạnh tranh kia, họ phải làm một cách lành mạnh, trên biển của người hay trên “sông hòa biển” của mình.

Trong khuôn khổ ấy, đặc biệt, chính quyền đứng ngoài việc đi lại của các con tàu. Nhiệm vụ của chính quyền là giữ cho lòng sông sâu, giữ cho bờ sông rộng; tạo những luồng gió thổi trên cả dòng sông; nghĩa là bảo đảm một môi trường kinh doanh phân minh, bình đẳng cho tất cả tàu thuyền. Gia nhập WTO có ý nghĩa như thế.

Rồi sao nữa?

Công việc “rồi sao nữa” là của các doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu của WTO là thúc đẩy nền kinh tế thị trường; mà trong nền kinh tế ấy doanh nghiệp chủ động và chính phủ hỗ trợ; chứ không phải giống như những gì đã diễn ra ở ta, Chính phủ bao biện. Vậy thì các doanh nghiệp phải chủ động.

Khi ở trên “sông hòa biển”, doanh nghiệp sẽ chịu sáu tác động. Thứ nhất là sức mua của người tiêu thụ; hai là tình trạng công ăn việc làm của người tiêu thụ, có cái này mới có cái trước; ba là cạnh tranh với các doanh nghiệp trong cùng ngành, bán sản phẩm ở cùng thị trường trong nước hay ngoài nước; bốn là hợp tác hay cạnh tranh với các doanh nghiệp mới xuất hiện; năm là khả năng xuất khẩu và các rào cản thương mại tại thị trường ấy; và cuối cùng là bảo vệ và xây dựng uy tín, tức là vấn đề sở hữu công nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ chịu những tác động khác nhau kia, khi mạnh khi yếu. Nếu doanh nghiệp giữ được khách hàng cũ, có thêm khách hàng mới - tức là đương đầu thành công tác động thứ nhất - thì các tác động còn lại sẽ giảm đáng kể. Các doanh nghiệp phải tự mình đương đầu và giải quyết các tác động này. Muốn làm được, họ phải kết hợp với nhau thành hiệp hội để hỗ trợ nhau. Họ phải tự cứu mình chứ không thể trông chờ vào chính quyền như xưa; vì quyền lợi của chính quyền khác họ và chính quyền làm thì sẽ bị kiện ngay! Vậy một công việc quan trọng của chuyện “rồi thì sao” là doanh nghiệp phải biết “Tự giúp mình rồi trời giúp”.

Về phần chính quyền thì công việc chính bây giờ là hỗ trợ doanh nghiệp. Công việc này có những thứ chính sau:

- Hoạch định chiến lược quốc gia; đề ra các chính sách mà khi các doanh nghiệp áp dụng thì sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh của họ. Chính quyền làm việc này bằng cách cộng tác với các hiệp hội doanh nghiệp; các hội là chính, chính quyền phụ; chứ không như hiện nay;

- Không ngừng cải tiến các thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp khi họ phải cạnh tranh;

- Nâng cao tính hữu hiệu của hệ thống tư pháp để bảo đảm việc tuân thủ luật pháp hầu bảo vệ môi trường kinh doanh;

- Phát triển giáo dục, y tế để cung cấp nhân lực phù hợp cho các doanh nghiệp;

- Thay đổi nhận thức về vai trò của các doanh nghiệp; không thể bắt đầu mọi việc mà cứ chăm chú đến sự bình đẳng ngay từ đầu (chủ nghĩa bình quân) mà phải nuôi dưỡng và khởi động các nguồn lực để cho nó tạo ra lợi tức; khi có lợi tức rồi thì sẽ tái phân lợi tức bằng thuế. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải thay đổi cách nghĩ và cách làm.

Tóm lại, trở về hình ảnh dòng sông hòa với biển, trên đó các loại tàu thuyền nhỏ lớn khác nhau đi lại, doanh nghiệp phải là chính. Họ chống đỡ với sóng để vượt trên sóng hay bị chìm nghỉm. Chính phủ bây giờ chỉ còn hướng dẫn họ đi bằng các chính sách phù hợp quy định của WTO; qua đó tạo nên các luồng gió trên sông; giữ cho sông rộng; không để tàu bè đụng nhau. Còn người dân là những người làm việc trên tàu hay trên mặt sông. Họ phải đáp ứng các yêu cầu do các nơi đó đặt ra. Biết về WTO không cần thiết đối với họ.

WTO thể hiện qua cách thức mà các con thuyền hoạt động; cách mà Chính phủ tạo những cơn gió trên “sông hòa biển”. Cả đại dương hoạt động trong khuôn khổ đó. Có tranh chấp nhau thì đưa nhau ra trụ sở của WTO giải quyết. Muốn cho hoạt động chung của đại dương dễ chịu hơn, họ đến trụ sở của WTO bàn bạc. Thỏa thuận mà hai bên đạt được sẽ trở thành cái chung áp dụng cho tất cả theo nguyên tắc không kỳ thị và đối xử quốc gia.