Có thêm niềm tin

|

Lo ngại Covid-19 bùng phát, nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong nước đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) khiến nhiều cổ phiếu (CP) giảm sâu nhưng NĐT nước ngoài thì lại tích cực mua vào với khối lượng lớn.

Khối nước ngoài bắt đầu mua ròng hơn 272 tỷ đồng từ phiên giảm mạnh ngày 24-7 khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đà mua ròng của khối này tiếp tục được nối dài trong bốn phiên tiếp theo với tổng giá trị lên tới gần 1.400 tỷ đồng, trong khi đó chỉ số VN Index dù đã lấy lại được mốc 800 điểm trong phiên 30-7 nhưng vẫn giảm 6,5%.

Động thái mua vào liên tiếp của NĐT nước ngoài trong những phiên “đỏ lửa” của TTCK Việt Nam vừa qua hoàn toàn ngược chiều với xu thế bán ròng hồi tháng 4 và 5 khi TT hồi phục mạnh nhờ dòng tiền của hàng trăm nghìn NĐT mới hỗ trợ.

Có ý kiến cho rằng, việc vội vã mua vào lần này là do khối nước ngoài dường như đã rút được bài học kinh nghiệm và không muốn bị “lỡ tàu” như hai tháng trước đó. Có thể nói, lên xuống vốn là quy luật của TTCK nhưng không phải ai cũng bỏ qua được sự sợ hãi khi TTCK lao dốc. Khi TT điều chỉnh giảm sâu thì các CP trên TT đều giảm giá. 

Trong bối cảnh này nếu hành động hiệu quả thì đây sẽ là cơ hội để NĐT “gom” CP giá trị đang được định giá thấp. Thay vì bán CP trong sự hoảng loạn, NĐT có thể xem xét đến việc mua thêm những CP có cơ bản tốt. Chính điều này sẽ đem lại khoản lợi nhuận rất lớn khi TTCK hồi phục trở lại. 

Thực tế, theo thống kê từ Fiin Trade, tính đến phiên giao dịch ngày 29-7, khoảng 48% số CP trên cả ba sàn giao dịch đều đã rơi về vùng giá thấp hơn hoặc bằng thời điểm VN Index chạm đáy 659,21 (ngày 24-3). Thí dụ như VJC của Vietjet đóng cửa phiên 29-7 đạt mức 95.100 đồng/CP, thấp hơn 1,5% so mức 96.500 đồng/CP phiên ngày 24-3. Đây cũng là mức giá thấp nhất của VJC kể từ đợt giãn cách xã hội cho đến nay.

Tương tự, cổ phiếu PAN của PAN Group đóng cửa phiên giao dịch ngày 29-7 ở mức giá 18.000 đồng/CP giảm hơn 8,6% so mức giá 19.700 đồng của phiên 24-3. Đáng chú ý, mức giá này thậm chí còn thấp hơn nhiều so mức giá thấp nhất trong giai đoạn từ ngày 24-3 đến 28-7 của PAN là 18.500 đồng/CP. Những CP khác như GEG; DBD... cũng đang giao dịch với giá dưới mức đáy trong giai đoạn vừa qua.

Hay như CP được khối nước ngoài mua nhiều nhất trong những phiên vừa qua là KDC, dù vẫn ghi nhận mức tăng từ đáy nhưng so thời điểm tăng mạnh hồi đầu tháng 6 thì trong gần hai tháng qua, CP này cũng “đánh rơi” gần 11%, ngưỡng khá lý tưởng để NĐT ra quyết định mua vào.

Trước đó, trong phiên đầu tuần qua, ngày 27-7, tổng giá trị khớp hai sàn ước đạt khoảng 6.604 tỷ đồng, tổng giao dịch (cả thỏa thuận) đạt 7.649 tỷ đồng. Mức thanh khoản trung bình những tuần trước đó giao dịch khớp lệnh dưới 4.000 tỷ đồng. Điều đó thể hiện nhu cầu bắt đáy là khá lớn. NĐT nước ngoài cũng giải ngân khoảng 746 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó mức mua ròng là 292 tỷ đồng. Riêng với nhóm VN30 khối nước ngoài mua ròng 132 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vừa qua của Công ty CK SSI, Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, từ đầu năm tới nay dòng tiền trên TT chủ yếu là của các NĐT cá nhân trong nước, NĐT nước ngoài cũng có mua ròng nhưng lượng mua nhỏ giọt, chưa có xu hướng bền vững. Điều này xuất phát từ việc các quỹ ETF được huy động thêm chứng chỉ quỹ. Ngoài ra, khối nước ngoài đang mua vào các chứng chỉ của các quỹ ETF mới như VNFIN Lead và VN Diamond. Hơn nữa, đối với NĐT nước ngoài do bối cảnh dịch bệnh nên các kế hoạch của họ cần phải có thêm thời gian để thực hiện nhưng sẽ sớm quay trở lại.

Thực tế, việc có thêm những ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác là điều khá bất ngờ bởi Việt Nam đã có gần 99 ngày kiểm soát tốt dịch bệnh, không có thêm ca nhiễm mới nào khiến nhiều NĐT lo ngại về việc kịch bản xấu hồi đầu năm sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, khác với đợt lao dốc hồi cuối tháng 3, điểm tích cực trong đợt suy giảm này là TT đã có sự chọn lọc khi nhiều CP vẫn trụ vững.

Minh chứng là khi bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, TT dù trở lại diễn biến khá tiêu cực sau thông tin đầu giờ sáng khi Đà Nẵng ghi nhận thêm 45 ca nhiễm Covid-19. Tâm lý NĐT đẩy mạnh thoát hàng khiến sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử và VN Index mất hơn 10 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên, sau khi thủng mốc 790 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp TT bật ngược đi lên. Mặc dù giao dịch vẫn khá thăm dò nhưng sau gần 90 phút giao dịch, chỉ số VN Index đã hồi nhẹ nhờ một số mã blue chip khởi sắc trở lại. Đà tăng được duy trì đến hết phiên giao dịch sáng nhờ dòng tiền, chủ yếu của khối ngoại, hoạt động khá tích cực…

Nhiều nhà phân tích nhận định, biến động hiện nay đang tạo ra cơ hội tích lũy dần các CP có triển vọng tích cực dựa trên kết quả kinh doanh khả quan trong sáu tháng đầu năm, lực cầu ngắn hạn đã cải thiện tích cực hơn tại các vùng giá thấp. Việc mua ròng năm phiên liên tiếp trên HoSE của khối nước ngoài giữa lúc tâm lý NĐT trong nước còn nhiều băn khoăn đã củng cố thêm niềm tin với TTCK Việt Nam. 

Thậm chí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty CK Yuanta Việt Nam còn nhận định, dòng tiền từ khối nước ngoài có khả năng sẽ đổ mạnh vào TTCK Việt Nam bắt đầu từ quý III trước những tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.