Cường quốc và đói nghèo!
Cuối năm 2005, hàng loạt các hãng thông tấn thế giới đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã qua mặt nước Pháp để trở thành cường quốc thứ tư thế giới! Đây là thành quả hoàn toàn bất ngờ của Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ sau bốn năm gia nhập WTO.
Theo các hãng thông tấn nước ngoài, ngày nay Trung Quốc đang là nước xuất khẩu thứ ba thế giới sau Mỹ và Đức. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã có mặt trong bảng xếp hạng thế giới các nước có sức cạnh tranh, Trung Quốc đã nhảy lên 12 bậc, từ hạng thứ 31 năm 2005 đã vọt lên hạng 19 vào năm 2006…
Mới đây Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vượt mức 10,5% trong năm nay và lo ngại không có những biện pháp hiệu quả để “hạ nhiệt” nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu nói Trung Quốc tăng trưởng nhanh vì “xưởng gia công lớn nhất thế giới” đó là ngộ nhận. Bởi lẽ Trung Quốc đang và sẽ trở thành trung tâm khoa học, trung tâm sản xuất sáng tạo của loài người. Ngay cả lực lượng trí thức như số tiến sĩ đào tạo ở Trung Quốc đã vượt nước Mỹ, có thể chất lượng khác nhau.
Đặc biệt, hiện nay các hãng lớn của thế giới đã chuyển không những xưởng mà bộ phận thiết kế và bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc, như Ericsson, Siemens đã lập hẳn viện nghiên cứu ở Trung Quốc; các hãng thời trang của Ý cũng lập bộ phận thiết kế thời trang tại đất nước này. Tất cả điều đó cho thấy, Trung Quốc hoàn toàn không chỉ chủ yếu cạnh tranh bằng giá rẻ mà đã và đang cạnh tranh bằng sự sáng tạo, đây là một thành tựu rất lớn. Đó chính là thành quả lớn nhất của Trung Quốc khi khai thác hiệu quả việc gia nhập WTO.
Trái ngược với sự thành công như Trung Quốc khi gia nhập WTO lại là những nước vẫn tiếp tục nghèo đói, hoặc thiếu tiên liệu hậu WTO. Một số nước ở khu vực Nam Á cùng gia nhập WTO vào ngày 1-1-1995 là Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh… Hậu WTO các nước này đối mặt với nạn thất nghiệp, theo thống kê sau sáu năm gia nhập WTO tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 3,4%.
Hiện nay một số nước này đã vượt qua ngưỡng khủng hoảng trên, nhưng rõ ràng đó cũng là bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm. Một thành viên đoàn đàm phán WTO của Việt Nam cho biết: “Thật ra không thể kỳ vọng ngay vào sau khi gia nhập WTO, bởi vì một số nước ở châu Phi gia nhập WTO rất lâu (từ khi còn là thuộc địa, chính quốc gia nhập WTO thì thuộc địa sẽ theo cùng) nhưng đến nay vẫn nghèo. Vì vậy, vai trò chính là do các cơ quan quản lý: môi trường kinh doanh thương mại mới, phải chuyển theo kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ cho phép. Tất nhiên các nhà đầu tư sẽ tự biết đầu tư ở đâu sinh lợi, nhưng để phát huy khả năng sáng tạo đó lại là trách nhiệm của các cơ quan quản lý”.
WTO - Vì sao nước Nga vẫn ngoài cuộc?
Năm 1993, nước Nga chính thức đệ đơn xin gia nhập WTO. Sau những cuộc đàm phán thương mại song phương kéo dài suốt 13 năm, Nga nhận được sự đồng ý của tất cả 148 nước thành viên… chỉ trừ nước Mỹ. Trong khi Tổng thống Nga V.Putin coi việc gia nhập WTO là ưu tiên hàng đầu của mình thì Nhà Trắng lại đòi Điện Kremli phải “khẳng định thêm” quyết tâm tuân thủ những quy định về thương mại tự do rồi sau đó mới đặt bút ký vào thỏa thuận kết thúc đàm phán.
Sau nhiều năm đàm phán gay go, Nga và Mỹ đã tiến rất gần đến việc ký kết thỏa thuận song phương – chướng ngại khó vượt qua nhất trên con đường nối Nga với WTO. Cả hai bên hy vọng sẽ đạt được thỏa hiệp vào cuối tháng 10-2006. Nhưng một khi mọi văn kiện được ký thì vẫn còn một nhiệm vụ “bất khả thi” nữa là thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Tổng thống Bush đã từ lâu hứa hẹn ủng hộ Nga gia nhập WTO để nước này dễ dàng hơn trong tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghị sĩ Mỹ ngày càng bày tỏ thái độ nhạt nhẽo với triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại với Nga.
Hiện tại, các chính trị gia đại diện cho các khuynh hướng khác nhau trên chính trường Mỹ suy nghĩ nhiều hơn đến những vấn đề bên trong nước Mỹ khi mà dư luận xã hội quan ngại Mỹ mở toang cửa cho các nền kinh tế thế giới xâm thực. Tháng trước, các dân biểu đã làm Tổng thống Bush phải toát mồ hôi hột lúc điều trần việc chính quyền Dubai dạm mua một số cảng của Mỹ. Và một tình huống như vậy có thể sẽ xảy đến với Tổng thống Nga Putin.
Thời gian gần đây, sau hàng loạt các động thái cứng rắn từ phía chính phủ Nga như phi tư nhân hóa các ngành kinh tế mũi nhọn và giải tán một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trên đất Nga, người Mỹ tự hỏi liệu có thể coi Điện Kremli là đối tác tin cậy của Nhà trắng?
Trong bối cảnh như vậy, cuộc đàm phán thương mại Nga – Mỹ mà trong khuôn khổ của nó đặt ra những vấn đề hệ trọng như khả năng thâm nhập thị trường Nga của các định chế tài chính Mỹ và bảo vệ sở hữu trí tuệ – hoàn toàn có thể biến thành cuộc tranh cãi sang các chủ đề sâu rộng hơn.
Ông Coit Blacker, người được coi là chuyên gia hàng đầu về Nga trong chính phủ Clinton, đánh giá: “Đây là sự thử thách không chỉ đối với mối quan hệ Nga – Mỹ mà của toàn thế giới phát triển với nước Nga. Về một vài vấn đề then chốt, đường đi của nước Nga đang gây lo ngại sâu sắc”.
Giả sử hai đoàn đàm phán cấp chính phủ đạt được thỏa thuận trong tất cả các câu hỏi tranh cãi thì về mặt hình thức, vấn đề đặt ra trước các nghị sĩ Mỹ không phải là việc họ sẽ chấp nhận Nga gia nhập WTO hay không mà là chuyện họ có sẵn sàng bãi bỏ các hạn chế kinh tế được áp dụng từ thời “chiến tranh lạnh” thông qua cái gọi là Tu chính án Jackson-Vanick.
Chỉ sau khi điều luật này được dỡ bỏ, Mỹ mới trao cho Nga Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. Trên thực tế, đó là một cách “trưng cầu dân ý” về mối quan hệ với Nga và nếu Nga không có được, họ sẽ không thấy những lợi lộc lớn lao từ việc gia nhập WTO.
Hồi tháng 4-2006, khi tới Moscow đàm phán, ông Bill Frist, thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện Mỹ (thuộc đảng Cộng hòa) đã phát biểu rằng các cuộc thương thảo “vượt quá khuôn khổ các vấn đề kinh tế” và “Quốc hội Mỹ có bỏ Tu chính án Jackson-Vanick hay không phụ thuộc vào việc Nga hợp tác với Mỹ trong vấn đề Iran và ngưng các hành động đàn áp dân chủ trong nước”.
Và tức khắc, chính phủ Nga đã phản ứng gay gắt trước những tuyên bố kiểu như thế này. Tổng thống Putin khó chịu ra mặt khi nghe những lời chỉ trích về nhân quyền và dân chủ ở Nga và ông cáo buộc Washington cố tình trì hoãn các phiên đàm phán.
Ông khẳng định “phía Mỹ đã chính trị hóa các cuộc thương lượng trong khi Ukraine cũng có không ít vấn đề về thương mại như Nga thì lại được thông qua rất nhanh”. Ý ông Putin ám chỉ Mỹ chỉ chấp nhận chuyện “chính quyền có theo Mỹ hay không”, song về phần mình, phía Mỹ đã bác bỏ động cơ chính trị khi đàm phán gia nhập WTO.
Một trong những vấn đề cơ bản mà phía Mỹ đòi hỏi là bảo vệ sở hữu trí tuệ. Phía Mỹ khẳng định Nga là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về sản xuất băng dĩa và chương trình vi tính lậu. Trong khi đó, giới chức Nga lại nói họ đang tiến hành cuộc chiến nghiêm túc chống hàng lậu và Mỹ “cũng phải công bằng hơn vì đây đâu phải là vấn đề chỉ có ở Nga”.
Nhưng Quốc hội Mỹ không dễ dàng “ân xá” chuyện này. Nhiều nghị sĩ Mỹ nói rằng vào năm 2001 họ đã sai lầm khi “quá mềm mỏng” với Trung Quốc vì nghe những lời “đường mật” rằng Trung Quốc sẽ làm tốt hơn để bài trừ tệ nạn này và thực tế cho thấy 5 năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO thì “lời hứa vẫn còn nguyên giá trị”.
Mỹ cũng lo ngại Nga không thực thi nghĩa vụ bảo vệ sở hữu trí tuệ tuy Nga mới thông qua một dự luật về tác quyền và đã xử lý nghiêm khắc một số đối tượng sản xuất dĩa lậu quy mô lớn. Ông Dan Glickman, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ (Motion Picture Association of America) phát biểu: “Đã có những dấu hiệu tích cực. Nhưng nước Nga cần mạnh tay hơn nữa để tiêu diệt tận gốc tệ nạn này”.
Tuy có nhiều điểm không tương đồng nhưng nhìn chung, doanh nghiệp và công nhân Mỹ sẽ chịu thiệt thòi hơn cả nếu chính phủ và Quốc hội Mỹ vẫn cứ nhùng nhằng không chịu để Nga gia nhập WTO.
Quy chế PNTR là gì ? PNTR là quy chế ưu đãi mà hầu hết các nước có quan hệ thương mại với Mỹ đang được hưởng. Từ khi Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Mỹ vẫn áp đặt Tu chính án Jackson - Vanick đối với Việt Nam, với nội dung chủ yếu là không cho phép Việt Nam tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và chỉ cấp Quy chế quan hệ thương mại bình thường với một số điều kiện. Kể từ 1998, năm nào Mỹ cũng ra quyết định miễn trừ Tu chính án Jackson-Vanick đối với Việt Nam. Các quyết định này luôn được Quốc hội Mỹ chấp thuận với số phiếu năm sau cao hơn năm trước. Theo luật của Mỹ, quyết định miễn áp dụng chỉ có giá trị trong vòng một năm. Vì vậy, hàng năm, chính quyền và Quốc hội đều phải bày tỏ thái độ về việc áp dụng Tu chính án Jackson - Vanick đối với Việt Nam. Để thông qua Quy chế PNTR cho Việt Nam, Quốc hội Mỹ phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước buộc phải tái gia hạn việc miễn trừ điều luật bổ sung Jackson-Vanick. Luật của WTO quy định tất cả thành viên của WTO dành cho nhau quan hệ thương mại bình thường, Quy chế đối xử tối huệ quốc vô điều kiện và ngay lập tức. Các thủ tục của Mỹ về cấp quy chế PNTR Bước 1: Hành pháp Mỹ, đại diện là tổng thống sẽ trình bản Thỏa thuận Mỹ-Việt về kết thúc đàm phán WTO lên Hạ viện Mỹ dưới dạng một dự luật. Bước 2: Dự luật này sẽ được giới thiệu tại Ủy ban Chính sách thương mại của cả Hạ và Thượng viện. Bước 3: Dự luật này sẽ lần lượt được chuyển lên toàn thể Hạ viện, rồi Thượng viện để thảo luận và bỏ phiếu theo những thủ tục thông thường mà không cần điều kiện gì đặc biệt hay “quyền đàm phán nhanh” của tổng thống đối với các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác của Mỹ. Sau khi thủ tục này được thông qua, cũng đồng nghĩa với việc chính thức hủy bỏ khoản IV của Tu chính án Jackson - Vanick áp dụng đối với Việt Nam; Quốc hội Mỹ có 60 ngày để thông qua dự luật này, sau đó chuyển qua cho tổng thống. Tổng thống sẽ ký và ban hành việc thực hiện việc dành Quy chế PNTR bằng một công báo… |