An Giang chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

|

Thời gian qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nên đời sống người dân vùng đồng bào Khmer, đồng bào Chăm ở An Giang đã được chăm lo tốt về vật chất, tinh thần.

Thực tế cho thấy, được Trung ương, tỉnh quan tâm chăm lo, kinh tế, văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, đồng bào Chăm ở An Giang có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của bà con được cải thiện.

Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần

Theo Ban Dân tộc tỉnh An Giang, các Chương trình 135 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (từ năm 2015-2019) và Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ khác từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Nhớ đó, hiện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; các xã, phường, thị trấn trong vùng đều được phủ sóng phát thanh-truyền hình, sóng điện thoại, Internet; toàn tỉnh có 3 trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 97%...

Các dịp lễ trọng, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số như Tết Nguyên đán của đồng bào Hoa; tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Senl Đôn Ta của đồng bào Khmer; tháng nhịn chay Ramadan, tết Roya Haji của đồng bào Chăm được cấp ủy, chính quyền tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà chu đáo.

Chính quyền thăm hỏi các cơ sở thờ tự, gia đình chính sách người dân tộc thiểu số; các trường có con em đồng bào dân tộc thiểu số đang học; các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người dân tộc thiểu số; chiến sĩ là người dân tộc thiểu số công tác trong lực lượng vũ trang.

Hằng năm, tỉnh còn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Khmer vui tết Chôl Chnăm Thmây và hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Chăm vui tết Roya Haji.

Các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer, Chăm được tỉnh hỗ trợ duy trì hằng năm với nhiều hoạt động phong phú, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc riêng, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham quan.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống dân tộc được thực hiện khá tốt. Đến nay, An Giang có 8 di sản văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer và Chăm.

Đời sống ấm no

Huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên là nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, thông tin, từ năm 2019 đến 2023, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng 253 công trình với tổng kinh phí hơn 460 tỷ đồng.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng được nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân.

Còn thông tin từ Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên cho biết, từ năm 2019 đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án với các mô hình kinh tế hỗ trợ sản xuất đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình...

Từ đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Hòa thượng Chau Sưng, Trụ trì chùa Phnôm Tà Pạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã rất quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thực hiện nhiều chính sách cho hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống, từng bước đưa huyện Tri Tôn thành huyện phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Tại An Giang, đồng bào Chăm sống tập trung ở thị xã Tân Châu và 2 huyện An Phú, Châu Phú. Ông Haji Jacky, Trưởng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang cho biết, tín đồ Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang đa số là người Chăm sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi và một số nơi còn duy trì bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, thêu đan gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Hỗ trợ phụ nữ Chăm làm kinh tế.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội... đã mang đến những thuận lợi về nhiều mặt giúp Cộng đồng Hồi giáo tỉnh từng bước phát kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ văn hóa ngày càng nâng lên rõ rệt.

Cụ thể như đầu tư thực hiện nhiều công trình phục vụ nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng như điện, đường, trường học, trạm y tế, hỗ trợ nhà ở, đất ở, cụm tuyến dân cư, bảo hiểm y tế, chính sách miễn giảm học phí, tổ chức các lễ hội văn hóa dân tộc hằng năm và các chính sách khác…

Đời sống vật chất tinh thần của bà con từng bước được nâng lên, có nhiều điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ đó, cộng đồng Hồi giáo có những bước chuyển biến tích trong đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần. Chất lượng cuộc sống ngày một cải thiện, trình độ văn hóa ngày một nâng cao…