Đây là những đánh giá, chỉ đạo của Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/10.
Hội nghị có sự tham dự từ các điểm cầu của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện Ban Dân tộc các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) trên cả nước.
Theo báo cáo của UBDT, năm 2021, UBDT được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 chương trình, đề án, chính sách dân tộc.
Tính đến hết tháng 9 năm 2021, UBDT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 đề án; 2 đề án đã trình chờ phê duyệt; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 3 đề án, dự kiến trình trong quý IV năm 2021.
Năm 2021, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.
Trong đó: Sơn La là tỉnh có số xã thuộc vùng đồng bào trong đồng bào DTTS và MN nhiều nhất cả nước với 202 xã.
3 tỉnh, thành phố có số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ít nhất cả nước là: Thành phố Đà Nẵng 1 xã, tỉnh Tây Ninh 1 xã và tỉnh Bình Dương 1 xã.
Những kết quả nổi bật
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc 9 tháng đầu năm 2021 của toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc.
Trong những khó khăn chung của đất nước, những kết quả nổi bật có thể nhắc đến Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Ban Dân tộc và Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện liên quan để thực hiện Chương trình như: Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, phân công trách nhiệm tới từng thành viên tham mưu giúp việc thực hiện các dự án thành phần của Chương trình... Một số tỉnh còn chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình và xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về thực hiện chương trình.
Hiện nay, Ban Dân tộc các tỉnh đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn đầu tư công CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN năm 2021, 2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình.
Tại hội nghị trực tuyến, từ các đầu cầu địa phương, nhiều ý kiến phát biểu đã đánh giá kết quả công tác dân tộc 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương vùng đồng bào DTTS và MN còn ban hành các chính sách đặc thù của địa phương như: hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội cho học sinh là người DTTS các cấp; chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại các trạm y tế vùng DTTS và MN; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người đồng bào DTTS không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hỗ trợ, tặng quà cho hộ DTTS tiêu biểu; hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS…
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ. UBDT cùng các cơ quan công tác dân tộc tại các địa phương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng các thứ tiếng dân tộc phù hợp ở từng địa phương; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân trong vùng đồng bào DTTS tích cực tham gia phòng chống Covid-19; phát huy vai trò người có uy tín trong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào phòng chống dịch Covid-19.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 và bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào DTTS cũng góp phần phòng chống dịch trên địa bàn vùng đồng bào DTTS kịp thời, hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các tỉnh có đông đồng bào DTTS vùng Tây Bắc, Đông Bắc đều là các “vùng xanh” an toàn.
Không ít khó khăn cần nỗ lực vượt qua
Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi trên, công tác dân tộc và chính sách dân tộc 9 tháng đầu năm 2021 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc như: Dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách dân tộc, một số nhiệm vụ phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh…
Ngoài ra, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản của đồng bào DTTS; đặc biệt là khó khăn trong việc thực hiện chế độ, chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng DTTS và MN do chuyển tiếp chính sách dân tộc từ Quyết định số 582/QĐ-TTg (giai đoạn 2016-2020) sang Quyết định số 861/QĐ-TTg (giai đoạn 2021-2025) ...
Lãnh đạo UBND và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố như Sơn La, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… có những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới. Đó là hướng dẫn triển khai CTMTQG, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư; cơ chế ưu tiên đối với những địa phương thực hiện điểm CTMTQG; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 song song với phục hồi, phát triển kinh tế…
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương quan tâm tới CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, kiến nghị: Cần phân cấp mạnh cho các địa phương, để có thể quản lý, lồng ghép các chính sách trên địa bàn giúp cho đối tượng thụ hưởng tốt nhất. Đây là Chương trình lớn, địa phương mong muốn không chỉ được bố trí cân đối và giao nguồn vốn ngay từ những năm đầu mà còn có những định hướng cụ thể để thực hiện hiệu quả nhất.
Chủ động phối hợp và đổi mới phương pháp thực hiện
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phân tích, chia sẻ một số kiến nghị của đại diện các địa phương về quyết định đầu tư CTMTQG; việc xây dựng Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình MTQG; về các chính sách dân tộc cũng như các chính sách dân tộc đặc thù đã, đang thực hiện…
Để có thể giải quyết những khó khăn cho đồng bào DTTS, đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan công tác dân tộc cần phải chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp thực hiện, đồng thời nhiệm vụ trọng tâm cũng cần có phương pháp, cải cách lề lối làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Một yếu tố quyết định thành công, là phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện tốt chính sách trên vùng DTTS và MN. Song song với đó là quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS…
Với mục tiêu để công tác dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm trọng điểm, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, UBDT sẽ phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp cho các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là với CTMTQG.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong chín tháng đầu năm, để Chương trình công tác năm 2021 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, lãnh đạo UBDT tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Đó là phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước CTMTQG) và Văn phòng Chính phủ bổ sung hoàn thiện các thủ tục (nếu có) để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách tại các xã, thôn ĐBKK vùng DTTS và MN giai đoạn 2016-2020 nay không còn thuộc diện ĐBKK tại các Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 433/QĐ-UBDT và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg...
Thời gian tới, vùng DTTS và MN sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, vì thế sự phối hợp thực hiện các chính sách dân tộc và nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương cần chặt chẽ và được tăng cường hơn nữa giữa Ban Dân tộc với các sở, ngành địa phương. “Mỗi địa phương có năng lực khác nhau, nguồn lực khác nhau, ngoài sự chủ động, cần thay đổi tư duy, cách làm, cần tập trung và quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm... Như vậy, CTMTQG của chúng ta mới hoàn thành”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chỉ đạo tại hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cũng đề cao vai trò những người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là lực lượng quan trọng, cần tạo điều kiện để những người có uy tín phát huy vai trò của họ. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, vừa là người tuyên truyền, vừa là người thực hiện, cho nên công tác biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ này cũng cần kịp thời…