Chung tay cùng hành động trong phát triển du lịch

|

NDO - Đó là thông điệp mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi đến các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc du lịch 2020, tại Quảng Nam, ngày 28-11. 

Ngày 28-11, tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc du lịch 2020, với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự và chủ trì Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởngVăn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc; giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần (từ 7,9 triệu lên 18 triệu) với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so năm 2015).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng sụt giảm nghiêm trọng. Dự báo hết năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 80%, khách du lịch nội địa ước giảm khoảng 50% so năm 2019. Thiệt hại từ dịch Covid-19 đối với ngành du lịch nước ta ước tính lên đến 23 tỷ USD trong năm 2020.

 Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và năm địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận bốn nội dung quan trọng. Đó là: cơ cấu lại thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong phát triển sản phẩm du lịch; chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả và nỗ lực mà ngành du lịch đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Về nhiệm vụ sắp đến, Phó Thủ tướng lưu ý các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung quan tâm chất lượng khách; chủ động tái cơ cấu thị trường khách du lịch; để người Việt trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà trước đây dành cho khách quốc tế và phát triển du lịch phải bảo đảm an toàn và vấn đề an toàn du lịch phải được đặt lên trên hết. An toàn ở đây không chỉ an toàn về sức khỏe, an toàn không để dịch Covid-19 lây lan… mà an toàn còn là nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe con người, phải hạn chế các rủi ro khi du khách đến tham quan.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, du lịch là một ngành cần thiết và có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh. sắp đến, ngành du lịch phải chuyển đổi số, hướng đến dữ liệu hóa, tạo nền tảng số hóa tất cả dịch vụ. Thông qua chuyển đổi số, ngành du lịch có điều kiện để đáp ứng nhu cầu của du khách, giúp khách trải nghiệm thuận lợi các dịch vụ và tại các điểm đến tham quan.

Theo đó, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, các hiệp hội tham gia tích cực vào để tạo ra một nền tảng số dùng chung cho toàn ngành du lịch và toàn xã hội…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, muốn làm tốt điều đó, quan trọng nhất là tất cả các cấp, ngành, địa phương, mỗi người và toàn ngành du lịch phải cùng nắm chặt tay nhau, cùng hành động để vượt qua khó khăn, hướng đến sự phát triển mới, bền vững hơn…

Sáng cùng ngày, đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và năm địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Bình Định.

Trước đó, vào chiều 27-11, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội,  TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung cũng đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Tại đây, các hãng hàng không Việt Nam và Hiệp hội Du lịch bảy tỉnh, thành phố; các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.