Ngôi đền này được cho là thuộc về những người đánh cá đầu tiên ở Gramalote, một ngôi làng chuyên săn cá mập ở Huanchaquito (Peru). Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng thời gian đó dân làng không có địa điểm cúng tế riêng và phải đi rất xa, thậm chí hàng giờ để đến được những ngôi đền trong vùng và làm lễ. Tuy nhiên, phát hiện mới nhất này đã cho thấy những người đánh cá đã có ngôi đền riêng của mình để thực hiện những nghi lễ thờ cúng.
Mở rộng khu vực khai quật ngôi đền, vốn nằm trên vùng đất cao nhất ở thị trấn, các nhà khoa học phát hiện ra một hành lang trung tâm lộ thiên với những bậc thềm, có thể từng là nơi hành lễ. Phía sau của ngôi đền là các khu vực cá nhân được nối với nhau bởi những sảnh chạy dài. Trong hố khai quật còn có vết tích của các ống sậy, dẫn đến phỏng đoán rằng có thể mái của ngôi đền được làm bằng sậy. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra ba bộ hài cốt trẻ em, có thể đây chính là các nạn nhân của tục hiến tế.
Ở một phần của ngôi đền, các nhà nghiên cứu tìm thấy một số vật dụng giống như dụng cụ đánh cá, còn ở phần bên kia, là những vật dụng dành cho phụ nữ, như dụng cụ dệt … Nhà khảo cổ Gabriel Prieto nói: “Chúng tôi cho rằng, trong ngôi đền này, để buổi lễ có quy mô lớn hơn, một khu vực dành riêng cho người trẻ đã được thêm vào, họ được các bậc tiền bối đưa đến đây để dạy dỗ trở thành những thành viên hữu ích trong cộng đồng”.
Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng người dân ở thị trấn Gramalote, vốn là những ngư dân chuyên đánh bắt cá mập, đã phải đi bộ hàng giờ để tới các ngôi đền trong vùng. Thí dụ, các bằng chứng khai quật cho thấy người làng tập trung sản xuất thủy sản và sau đó bán sang vùng Caballo Muerto vừa để tiêu dùng, vừa sử dụng trong các nghi lễ cúng tế, và dần dần tạo nên mối quan hệ giao thương giữa hai vùng. Gramalote thậm chí có thể từng là thuộc địa đặc biệt để cung cấp hàng hóa cho vùng nội địa. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất chỉ ra rằng, không chỉ tham gia vào các nghi lễ ở vùng nội địa mà Gramalote còn tự tổ chức các nghi lễ riêng của mình tại ngôi đền tọa lạc ngay trong làng.
Một tác phẩm điêu khắc cổ về nghề săn cá mập ở Peru.
Các nghiên cứu trước đó do nhà khảo cổ Gabriel Prieto thực hiện cũng cho thấy, việc săn cá mập là một trong những văn hóa đặc trưng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Gramalote. Những mảnh xương cá còn lại cho thấy thực phẩm chủ yếu là cá mập đen, cá mập cát và cá đuối gai. Ba loài cá đặc biệt này cũng hiện diện trong các nghi lễ thường xuyên của ngư dân. Từ các mẫu vật khai quật được, các nhà khảo cổ cho rằng, cá mập cát đã được đặt lên trên các tấm đan bằng sậy, cùng với vỏ sò và xương sư tử biển đặt tại một vị trí khác. Xương người và xương cá mập cũng được tìm thấy, chứng tỏ có thể đã có cả những nghi lễ hiến tế con người dành cho biển khơi.
Nhà khảo cổ Prieto cho rằng việc sử dụng hải sản trong tất cả các mùa liên quan đến nhu cầu duy trì nguồn thực phẩm từ biển và để cúng tế những vị thần biển có “quyền sinh, quyền sát” đối với ngư dân.
Prieto nói: “Tôi muốn đưa ra giả thuyết rằng những người đánh cá ngay từ thủa hoang sơ đã sử dụng nguồn thực phẩm có giá trị nhất của mình để dành cho nghi thức cúng lễ. Đây có thể là một phần trong đời sống tâm linh của họ thời bấy giờ, để thỏa mãn các nhu cầu sinh tồn và tâm linh”.
Nhà khảo cổ cũng chỉ ra rằng, ngôi đền mới được phát hiện có thể chỉ ra một xã hội đã có thứ bậc, với nhà tu hành hoặc người đứng đầu nào đó nắm quyền chỉ huy toàn bộ nghi lễ. Các phát hiện trước đó cho thấy tất cả đàn ông trưởng thành đều có những dấu hiệu tình trạng trên tai, phụ thuộc vào thời gian làm việc dưới nước. Tuy nhiên, những hài cốt mới khai quật được ở ngôi đền lại không có những dấu hiệu này. Prieto đưa ra giả thuyết rằng Gramalote khi đó đang bước vào thời kỳ chuyển đổi từ một xã hội mà tất cả mọi người như nhau, tự duy trì cuộc sống của mình thông qua nghề đánh cá, sang một xã hội có những thành viên đặc biệt hơn, thể hiện rõ trong các nghi thức tinh thần.