Lê Minh Khuê - "làn gió" không ngừng…

|

(Ðọc Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê, NXB Trẻ 2016) Thuộc lớp nhà văn thành danh từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều năm qua, cái tên Lê Minh Khuê luôn hiện hữu trên văn đàn nước nhà với những sáng tác đều đặn, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Mới đây, tập truyện ngắn Làn gió chảy qua được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 tiếp tục khẳng định sức bền của một cây bút nữ sắp bước vào tuổi "thất thập".

Không phải là không có lý, khi một nhà phê bình gọi nhà văn Lê Minh Khuê là "hiện tượng" của văn học đương đại Việt Nam, bởi khả năng "trụ hạng" ở thể loại truyện ngắn; với tổng số 15 tập (xuất bản trong nước) và một số tập được dịch và xuất bản ở Mỹ, Ðức, I-ta-li-a, Thụy Ðiển…, cùng nhiều giải thưởng uy tín, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012.

Làn gió chảy qua tập hợp 14 truyện ngắn Lê Minh Khuê viết rải rác trong vài năm gần đây, lôi cuốn người đọc bởi sự trẻ trung, bất chấp tuổi tác, thời gian. Trước hết, có thể thấy trong truyện của Lê Minh Khuê ắp đầy hiện thực cuộc sống với sự đa dạng, đa chiều; cả những vấn đề đang được chú ý trong xã hội hiện đại với nhiều biến động, phức tạp. Cùng với đó, là một thế giới nhân vật phong phú ở mọi lứa tuổi, thành phần được tác giả phác họa, khắc họa đều hiển hiện thật sinh động, ấn tượng. Ðó là Hoàn, cô gái quê làm công nhân trong khu công nghiệp "đổi đời" bởi thủ đoạn trộm cắp linh kiện máy móc trong Linh kiện điện tử. Là Nhâm, người đàn bà ngây thơ, trong sáng đầy cả tin trong Căn nhà đơn chiếc. Là những phận người làm thuê nghèo khó, chất phác nhưng giàu tình cảm và nghĩa hiệp như Tiền, Lan, Tơn trong Giữa hai đứa trai. Ðó còn là Ðin, người phụ nữ đầy ám ảnh quá khứ, hận thù với cả những người thân trong Thằng Tomy về chơi. Là người lính tên lửa nặng tình tên Nghĩa trong Sương hồng… Ðiều đáng nói, Lê Minh Khuê biết lựa chọn những tình huống kịch tính, những chi tiết đặc sắc, thường ngẫu nhiên song đầy bất ngờ, tạo đột biến, mang tính tháo-mở cho nút thắt, diễn biến truyện và tâm lý nhân vật. Trong truyện ngắn Giữa chiều lạnh, khi đang chìm đắm trong nỗi buồn và thất vọng cùng nhân vật Phụng về những ký ức tình yêu đẹp đẽ thuở hoa niên, bởi lúc gặp lại, Vân - người yêu cũ tỏ vẻ lạnh lùng xa cách, người đọc như bừng tỉnh chứa chan xúc động khi Phụng tìm lại được tấm chân tình ngày nào lúc Vân chạy theo anh vỡ òa, đau khổ. Ðến phút cuối, bà Nhi (trong Sương hồng) từ bỏ ý định gặp lại "người trong mộng" - anh lính tên lửa mang vẻ đẹp huyền thoại và mối tình lãng mạn của một thời chiến tranh, để cho quá khứ ngủ yên. Phúc (trong Linh kiện điện tử) bất ngờ phát hiện thấy món đồ Hoàn lấy trộm ở nhà máy để hoàn toàn "vỡ mộng" về người tình hiểm độc, hối hận quay trở về với gia đình… Lê Minh Khuê có giọng văn hiện đại, giàu cá tính với những câu văn liền mạch, không dấu chuyển tải dung lượng lớn sự việc và tâm lý, trạng thái xúc cảm. Những chi tiết đắt giá, ngôn ngữ kể, tả như hồn nhiên, như dửng dưng, khách quan vô tình, thậm chí sắc lạnh; song nhiều khi dồn nén, chất chứa tình cảm và tâm trạng. Giọng văn ấy, cùng những câu chuyện "có chuyện" - dẫu đôi khi thật nhẹ nhàng, về những thân phận, cuộc đời trong một xã hội còn nhiều ngổn ngang, làm lay động trái tim người đọc, đặc biệt ở những cái kết mở chênh chao buồn…

Dễ nhận thấy, tình yêu và chiến tranh luôn là đề tài chủ đạo trong truyện ngắn Lê Minh Khuê. Ðiều này không có gì lạ, với một người từng trải qua, có sở trường, thế mạnh về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Năm mươi năm chiều dài, Những ngày nghĩa hiệp, Sương hồng, Thằng Tomy về chơi, Làn gió chảy qua, Cuối chiều là những truyện ngắn viết khi đậm, khi nhạt về chiến tranh; lồng trong những câu chuyện, cảnh huống, con người thời hiện đại. Nhiều trang viết thấm đẫm cảm xúc người trong cuộc, tái hiện sinh động những tháng năm hào hùng, đáng nhớ của một thời lửa đạn; với cả hệ lụy và dư âm tới ngày hôm nay, tác động mạnh đến những thế hệ trẻ sau này. Một cái nhìn thật điềm tĩnh, bình thản về cuộc chiến đã lùi xa thể hiện qua sự rõ ràng, khúc chiết, nhân văn trong mạch truyện, dòng chảy cuộc sống và tâm lý của con người đương đại; khiến những trang viết của tác giả không bị nặng nề mà nhẹ nhàng, lôi cuốn.

Gặp nhà văn Lê Minh Khuê ngoài đời, bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên bởi vẻ ngoài giản dị, nền nã và phong cách hồn hậu, dễ gần. Chưa nói đến cái tuổi 68 của bà với những sinh hoạt, thói quen và một cuộc sống gia đình chỉn chu, nền nếp, có phần xưa cũ. Nó dường như trái ngược với những trang viết cuộn sóng hiện thực và tâm trạng; những nhân vật, bối cảnh thời thượng và văn phong hiện đại, trẻ trung đầy lôi cuốn. Dường như câu Người thơ phong vận như thơ ấy (Hàn Mặc Tử) không vận vào trường hợp Lê Minh Khuê. Song có lẽ, đó chính là phong thái của con người đã đi qua, đã thấu hiểu mọi điều để nhẹ tênh mà trải lòng cùng câu chữ; đồng cảm và sẻ chia với con người, với cuộc đời. Như trong Lời bạt cuốn sách, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết: "Truyện ngắn Lê Minh Khuê đã đến độ thản nhiên, tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật. Sự sắc lạnh dường như đã lặn vào bên trong, bao trùm lên tất cả là sự đồng cảm, thương cảm ngậm ngùi cho những số phận, thương cho cả thời gian".