Khoảng bảy năm trở lại đây, thú chơi đào rừng, rồi bốn năm nay là chơi hoa lê, mắc cọp…đã trở nên phổ biến, song cũng báo động một kiểu nạn phá rừng. Ngay từ thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tại nhiều chợ hoa ở Hà Nội đã xuất hiện những cành đào “khủng”, giá vài triệu đồng. Dân săn đào rừng cả tháng trước đó đã lên các miệt rừng đặt hàng. Chờ thời điểm là đánh xe tải lên bứng về. Nhiều chuyên gia văn hóa, những người yêu rừng đã lên tiếng về tình trạng này. Bởi để có một cành đào lớn, phải mất vài năm, thậm chí chục năm. Nô nức chặt đào rừng đem bán, cuối cùng những miệt đào núi cũng vơi bớt. Anh Lê Thế Kiên, một chủ hàng đào rừng, nay bán hoa lê, hoa mắc cọp tại chân đường Âu Cơ, trước cửa chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ), cho biết: “Thời điểm đầu tháng một là các loài hoa rừng bung nở. Chúng tôi, trong quá trình săn tìm đào rừng, đã hỏi han và biết được các loài hoa lê, mắc cọp cũng rất đẹp, trắng tinh khôi, thậm chí còn đẹp hơn loài hoa sưa ở dưới Hà Nội. Hoa lại có độ bền lâu, nên chặt thử về bán. Vậy là từ ba, bốn năm trở lại đây, nhiều người thích và chúng tôi đã kiếm tìm nhiều hơn”.
Theo tìm hiểu, mua xuân năm 2015 chỉ lác đác vài người tìm được hoa lê, hoa mắc cọp về Hà Nội bán. Sang xuân 2017 thì đã có hàng chục người bứng được những cành cây có dáng đẹp, sù sì, hoa nở trắng muốt như bông, cánh dày ngậm sương, đẹp tinh khôi. Ông Nguyễn Quang Quý (quê ở Hưng Yên), một người bán hàng thổ lộ rằng, vẻ đẹp của hoa rừng nó khiến người ta mê mẩn. Cành hoa luôn cứng cáp, sù sì, rêu và hương mộc bám vào càng tạo nên vẻ đẹp cho hoa. Bởi thế mà người dân rất thích. Những người chịu chơi sau khi tàn cành hoa đào rừng, thì đặt luôn cành hoa lê để tăng thêm lộc.
Ông Quý cho biết, hoa lê có nhiều ở Lạng Sơn, Lào Cai, còn hoa mắc cọp có nhiều ở mạn Yên Bái, Cao Bằng. Hai năm nay, một loài hoa cũng trắng, nhỏ hơn hoa sưa là hoa táu cũng được săn tìm để chặt cả cành mang về Hà Nội phục vụ người chơi. Giá dao động từ 100 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/ cành, tùy độ lớn nhỏ và dáng cành.
Vì sao người Hà Nội lại có thú chơi này? Theo tìm hiểu, chính những người dân vùng cao cho rằng, hoa rừng đẹp là điều không cần bàn cãi. Nhưng hoa lê, hoa mắc cọp cùng loài với hoa lê có màu trắng đặc trưng, thể hiện sự sang trọng đồng thời sự hiếu thuận của con cháu đối với ông bà. Hẳn vì lý do đó, ngày càng nhiều người mua. Nhu cầu của người miền xuôi càng cao thì người vùng cao sẽ vào rừng tìm. Cuộc săn tìm kéo dài cho đến cuối tháng tư Dương lịch hằng năm.
Chơi hoa và kiếm sống từ hoa là chính đáng, song theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đó là những việc làm tiếp tay cho nạn phá rừng. Trước đây, các cơ quan chức năng, những người yêu rừng từng lên án nạn chặt phá rừng lấy phong lan, nạn bứng rừng cổ thụ mang về xuôi làm cảnh, rồi đến chuyện triệt phá những rừng đào cổ thụ, thì những năm gần đây, cây lê, cây mắc cọp và nhiều loài cây khác cũng bị đốn hạ để phục vụ cho thú chơi của con người. Giáo sư Đăng nhấn mạnh: “Con người đã tàn phá rừng cho nhiều mục đích. Nhiều năm nay chặt phá rừng để lấy hoa làm thú chơi. Chúng ta yêu hoa nhưng lại làm rừng trơ trọi, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường rừng, hủy diệt sự đa dạng sinh học của rừng”.
Nhiều người yêu rừng còn thốt lên, cứ đà này, sẽ chẳng còn loài hoa nào tồn tại ở miệt rừng nữa. Bởi chúng luôn bị chảy máu, phục vụ cho thú chơi ích kỷ và nhu cầu kiếm sống của người dân. Những đoàn xe chở cành, gốc hoa rừng kìn kìn về xuôi, và những sườn đồi, sườn núi bị cạo trọc dần. Hậu quả là hạn hán, lũ lụt xảy đến. Chẳng ai khác, chính người dân vùng cao là những người lãnh hậu quả trước. Vậy nên, hãy nói không với thú chơi hủy diệt này.