Mỗi người viết đều có sinh quyển của mình
Phóng viên: Từ khi xuất hiện đến nay, bạn luôn chọn viết về dân tộc mình. Sự xác quyết ấy bắt đầu hình thành từ lúc nào vậy?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Tôi đến với thơ một cách điềm nhiên như sứ mệnh định trước cho số phận của mình. Sinh trưởng nơi miền sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn, mỗi ngày đi học phải băng qua những quãng đường mòn, những chân núi thâm u, kỳ bí đã nảy sinh trong tôi những tưởng tượng, những mơ hồ về phận người nơi núi thẳm rừng thiêng. Không có phương tiện thông tin hiện đại, cách để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách lúc đó của tôi là mong ngóng thầy cô phụ trách thư viện mở cửa cho mượn sách mỗi lần một tuần. Tôi nhớ, mỗi lần chỉ được mượn 2 cuốn, tôi đọc thì nhanh, lại tiếc thời gian nên không cần biết nội dung là gì, tôi cứ chọn những cuốn khổ dầy nhất. Nhưng thời điểm trước những năm 2000, số lượng sách thư viện đều do phân bổ, nên số lượng cũng như hàm lượng tri thức cũng chưa được dồi dào. Nhưng nhờ đó tôi có cơ hội tiếp cận văn học. Tôi nhớ hình ảnh của mình khi ấy: chân thì bước, mắt thì chúi vào sách. Đó cũng là cách để tôi quên nỗi sợ hãi bất chợt trên những quãng đường rừng thâm u, diệu vợi ấy.
Rồi tôi đi học thiếu sinh quân, học Đại học Chính trị, tôi vẫn duy trì thói quen thuê sách để đọc. Nhưng chưa bao giờ tôi thử viết thơ. Đến một ngày, cầm trên tay tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đọc một bài thơ in trong đó (tôi không còn nhớ tên), khi đọc xong tôi nghĩ: à, hóa ra viết thơ cũng đơn giản thôi (cười). Bài thơ đầu tay được đăng tải trên Văn nghệ Quân đội. Và tôi đã bắt đầu viết như thế, chậm rãi, đầy đắn đo, không đặt kỳ vọng quá nhiều… Dông dài như vậy để nói rằng, tôi biết tôi sinh ra ở đâu, trong không gian sinh trưởng, tồn tại của mình có gì. Tôi là một cậu bé dân tộc Dao, tôi nhìn dân tộc tôi bằng ánh mắt của một cậu bé tò mò, ngây thơ đầy những nét vẽ tưởng tượng lẫn cả sự trọng vọng, cầu an của một sinh linh trước biến thiên của vạn vật, tạo hóa. Dân tộc Dao là căn cước của tôi, tôi viết về dân tộc tôi là tiên quyết. Sự xác quyết ấy hình thành từ khi tôi biết giá trị của kho tàng tri thức và văn hóa, biết thương cảm trước nhọc nhằn, khổ đau, mất mát của đồng tộc mình và tôi có trách nhiệm của một sứ giả đưa những giá trị ấy đến trung tâm, phát dương nó.
Phóng viên: Tập thơ Yao gồm 35 tác phẩm, được bạn ấp ủ trong suốt 10 năm. Có phải bạn đã tự khắt khe với mình hay còn lý do nào khác cho một hành trình đáng nhớ như vậy?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Với Yao (phiên âm: Yáo zú, nghĩa là Dao tộc), thực ra tôi đã không có một kế hoạch cụ thể cho sự xuất hiện của nó. Khi quyết định làm thủ tục xuất bản đến phát hành ấn phẩm, cả quá trình ấy vỏn vẹn trong 1 tháng. Nếu nói rằng tôi tự khắt khe với mình cũng đúng, bởi vì, dù đã tập hợp bài vở từ rất lâu rồi nhưng tôi vẫn chưa thực sự hài lòng với số lượng, chất lượng hiện có của tác phẩm. Theo đuổi nghề viết hơn 10 năm, cũng gần 10 năm làm công tác biên tập, bằng “linh giác” nội tại, tôi vẫn đang chờ đợi một điều gì đó bộc phát, hay cũng có thể là một điểm nhìn, một phát hiện, một cách thể hiện tương đối và ấn tượng hơn chăng?
Nhiều nhà văn cho rằng, công việc sáng tác đòi hỏi anh luôn phải tư duy, vượt thoát, đắm đuối hay chí ít, hãy như con ong chăm chỉ mỗi ngày đem nhụy về làm mật ngọt. Còn tôi vẫn như một kẻ dò đường theo xúc cảm, “một con chim nhỏ làng tôi” ngõ hầu “cất giọng vang sâu xa rừng thẳm”. Sau mỗi cuốn sách, mỗi mảng đề tài, tôi thường bình tĩnh, dừng lại, xác định chủ đề tiếp theo, và thời gian sau đó tôi sẽ chỉ tập trung vào mạch chính của chủ đề, loay hoay, xoay sở, cố gắng phát tiết những gì trân quý nhất dành cho nó mà ít ôm đồm hay quan tâm đến chủ đề khác. Nên nói rằng, 10 năm cho một tác phẩm cũng không quá dài, nếu nó đáng được bỏ ra bằng đó năm để tự hoàn thiện mình trước khi xuất hiện trước mọi người.
Phóng viên: Vẫn là cảm hứng, là kể câu chuyện của dân tộc mình, nhưng với lần xuất hiện này, bạn có thể chia sẻ sự khác biệt lớn nhất của YAO với 2 tập thơ đã xuất bản trước đó?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Có lẽ đó là điểm nhìn. Văn học thiểu số, nhất là các tác giả viết là người thiểu số đã được định danh, tôi nhận thấy đa phần họ là người mang tri thức, suy nghĩ của làng, mang không gian sinh tồn đó ra thế giới hiện đại, ra trung tâm, mà “khoe” với thiên hạ.
Tôi không nói về sự thành công, tôi đang nói về cách nhìn, khác với “Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô San” và “Bình nguyên đỏ”, tôi đang đặt mình ở vị trí trung tâm để nhìn lại khuôn mặt làng của mình: “Từ rất xa tôi nhìn lại phía làng/ Chỉ thấy chân mây màu lập thể/ Thăm thẳm xanh vùng trời tín ngưỡng…”. Từ đó trừu xuất những định nghĩa, những hiểu biết về văn hóa, tri thức và chân dung con người của làng.
Như bạn đã thấy, cũng từ một điểm nhìn mới tôi nhận được nhiều sự thấu cảm hơn, quý mến hơn từ độc giả, bạn viết.
Đánh dấu cho riêng mình bằng một mã văn hóa
Phóng viên: “Tôi viết cho dân tộc tôi”-câu thơ của bạn khiến tôi ám ảnh. Một nỗi niềm đau đáu, trăn trở nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Với bạn, bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa như thế nào với mỗi người sáng tác?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Mỗi một dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng có. Nó được kết tinh từ lịch sử phát triển, tranh đấu qua hàng chục nghìn năm, hàng nghìn thế hệ người mà gây dựng nên. Với người Dao, chúng tôi lấy cỏ cây để làm linh vật, thờ tổ tiên để nhớ gốc gác, phát tích, chết thì hồn vượt biển về Dương Châu đại điện-nơi xuất phát của Dao tộc. Mỗi nét hoa văn trên trang phục, mỗi điều cấm kị mà cha ông truyền lại đều có nguyên do của nó… Cùng với tri thức được tích lũy, trao đổi và truyền tiếp tạo thành văn hóa, lối nghĩ, lối sống đặc trưng khó bị pha trộn. Tôi trừu xuất một định nghĩa để đánh dấu cho riêng mình - gọi là một mã văn hóa. Với người sáng tác, việc nắm được mã văn hóa ấy là quý, triển khai, vận dụng được thì rất quý. Biết sáng tạo, thăng hoa thì vô cùng quý. Tôi không chấp nhận sự sao chép hoặc giả lạm dụng mã văn hóa cha ông để làm của riêng và anh chỉ việc công bố, để lòe thiên hạ coi như trước tác.
Phóng viên: Liên quan đến bạn vừa chia sẻ, tôi thấy dù không phổ biến nhưng đã xuất hiện tình trạng “ngô nghê hóa” khi viết về đề tài người dân tộc thiểu số.
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Tôi thấy ở đây có 2 dạng thức: Ngô nghê vì thiếu hiểu biết và Giả ngô nghê. Ngô nghê vì thiếu hiểu biết dù khéo léo đến đâu cũng sẽ tồn tại những khiếm khuyết, vá chằng vá đụp cố nhào nặn hình hài người thiểu số. Tôi không thấy những giá trị văn học khi đọc một trang sách của tác giả đang cố loè thiên hạ bằng những kiến thức chắp vá, râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Với tình trạng giả ngô nghê, thì tôi thấy thế này: cha ông của chúng ta có kho tàng tri thức, văn hóa rất giàu có, họ truyền lại cho mai sau bằng lời nói lời ví von. Một số kẻ đã lợi dụng nguồn tri thức đó, biên dịch ra tiếng phổ thông, có chỉnh sửa đôi chút rồi đề tên mình thành tác giả, thực chất đó là hành vi ăn cắp. Hoặc là, không đủ hiểu biết và vốn sống về con người, vùng đất hay anh chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà cố nặn, bóp tạo thành những áng văn chương có giá trị thì tôi e là khó lắm. “A lúi”, “Cái mình”, “Thằng tao”… không phải đại diện hình hài người thiểu số, mà nó rất kịch, giả trân và có gì đó thành lối khinh thường người thiểu số.
Tôi tin là mỗi nhà văn đều có sinh quyển của mình, khi anh thở, sống và sáng tạo được trong môi sinh riêng đó thì mới ra chân dung có giá trị.
Phóng viên: Tập thơ Yao đã tái hiện một cuộc sống thuần hậu, mộc mạc, chất phác của người Dao, nơi bạn đã gắn bó máu thịt. Đọc tập thơ, tưởng như không cho gì ô tạp có thể chạm vào mảnh đất lành, rất đỗi thiêng liêng ấy. Nhưng cuộc sống sẽ chẳng có gì bất biến. Làn sóng đô thị hóa đã và đang xâm nhập đến nhiều thôn xóm, buôn làng, khiến những giá trị truyền thống bị đứng trước nguy cơ mai một. Thế hệ mới sẽ có những tâm thế mới, lối sống mới. “Khuôn mặt làng” rồi sẽ phải khác xưa. Bạn nghĩ sao về điều này?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Dù cách này hay cách khác. “Khuôn mặt làng” đã khác và sẽ khác. Có thể một ngày trở về tôi chỉ tìm thấy “Khuôn mặt làng” hôm nay trong tiềm thức. Lại nghĩ rộng ra, dù sao không gian hiện tồn của chúng ta có bao giờ trong suốt, nó vẫn bị đe dọa làm vẩn đục bởi quy luật tất yếu của sự phát triển, sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khi hiện tại đi vào tiềm thức sẽ có nhiều thứ trở thành những nền trầm tích mang ý nghĩa răn dạy, thức tỉnh.
Và khi đó, con người của làng sẽ biết trân trọng hơn quá khứ để sống tốt hơn ở hiện tại. Tôi được cha ông dạy như thế, mặc nhiên tôi cũng hi vọng như vậy.
Phóng viên: Sống giữa đô thị song cứ mãi day dứt về cố hương có khiến bạn đánh mất cơ hội nắm bắt những vấn đề mới, tìm kiếm những cảm hứng sáng tạo mới?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Như tôi vừa chia sẻ ở trên, mỗi nhà văn đều có sinh quyển của mình và nhất là, tôi đã xác định trách nhiệm “sứ giả” của dân tộc mình thì việc day dứt đó không còn chỗ tồn tại. Vọng cố hương - nhưng tôi đã và đang nhìn ở những điểm nhìn, cách nhìn hiện đại, truyền tải tinh thần dân tộc qua ngôn ngữ hiện đại, đọc Yao không có nghĩa chỉ ám ảnh riêng về Dao tộc qua mấy ngàn năm thiên di, mà tôi tin, còn tìm thấy hình dáng, tư tưởng, lịch sử của sắc tộc khác trong đó. Như thế, Yao, mặc nhiên gợi mở được những thi ảnh, cách nhìn, cách nghĩ, cảm hứng khác của người đọc về chân dung một dân tộc - điều đó cũng đáng để đánh đổi mà. Phải không?
Phóng viên: Đang có những nỗi lo ngại trước tình trạng nhiều người viết trẻ ít quan tâm đến bản sắc dân tộc trong khi xu hướng thơ “Tây hóa” có phần được ưa chuộng. Là người biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà thơ Lý Hữu Lương: Thời đại công nghệ 4.0 khiến thế giới trở nên phẳng hơn, cần một chiếc smart phone thôi bạn đã chu du khắp thế giới. Cho nên, việc tiếp cận những giá trị tư duy, cách biểu đạt hay tiệm cận nhiều xu hướng tư tưởng mới, độc, lạ cũng không khiến chúng ta quá sửng sốt. Nhà văn, ở ngữ nghĩa là người ghi chép, bày tỏ quan điểm và định hướng quan niệm, nhân cách xã hội của thời đại… thì dù “Tây hóa” như bạn nói cũng đáng được trân trọng và xiển dương. Một tác phẩm văn học có giá trị, không ngoài mục đích hướng đến tinh thần “Chân-Thiện-Mỹ” của tác phẩm đó. Còn lại thuộc về hình thức thể hiện. Nếu không khéo, chúng ta cũng rất dễ biến thành Ngô nghê vì thiếu hiểu biết và Giả ngô nghê như tôi đã nói ở trên.
Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Yên Bái, hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Các tác phẩm đã xuất bản: “Người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô san” (tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013), “Bình nguyên đỏ” (trường ca, Nhà xuất bản Lao động, 2016), “Mùa biển lặng” (bút ký, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2020), Yao (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021).
Tôi tin là mỗi nhà văn đều có sinh quyển của mình, khi anh thở, sống và sáng tạo được trong môi sinh riêng đó thì mới ra chân dung có giá trị.
(Lý Hữu Lương)