Câu hỏi có sẵn lời đáp!

|

NDO - NDĐT - Muốn có thêm nhiều tác phẩm hay, chất lượng tốt từ các trại sáng tác, thì ngoài việc mời các văn nghệ sĩ tài năng đi dự trại, cần phải có tác động không nhỏ của các điều kiện, cơ chế. Muốn vậy, phải tích cực nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất cho đến đổi mới, sáng tạo các chương trình hoạt động, nội dung của các trại sáng tác.

Băn khoăn quanh trại sáng tác

Một hoạt động, nhỏ và xuất phát từ sự ngẫu hứng nhưng nhiều gợi mở, vừa diễn ra tại Nhà sáng tác Tam Đảo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Đó là cuộc giao lưu thơ – nhạc giữa trại sáng tác của Hội nhạc sĩ Hà Nội với trại thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tình cờ có trùng một khoảng thời gian làm việc tại Tam Đảo, các nhạc sĩ mời nhà thơ dự cuộc báo cáo tác phẩm mới, giới thiệu một số bài hát từ trước đó. Các nhà thơ cũng trình bày trước nhạc sĩ tác phẩm của mình. Trên tinh thần coi thơ là ca từ đã được chọn lọc, nhạc sĩ Vũ Thiết (tác giả bài “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Khúc tráng ca biển (Mộ gió)”…) phụ trách trại âm nhạc cũng đề nghị các thi sĩ cung cấp tác phẩm để rất có thể, sẽ sớm ra đời những bài hát phổ thơ mới nhất từ trại Tam Đảo.

Giao lưu giữa những người sáng tác thơ và nhạc ở Tam Đảo.

Cuộc giao lưu trên, như một câu trả lời dù rất nhỏ, nhưng cần thiết cho nhu cầu nâng cao hiệu quả trại sáng tác đang là một đề tài thời sự. Mới đây, đã có một hội nghị bàn về nâng cao chất lượng trại sáng tác được Bộ VHTT&DL tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải, nhằm tìm giải pháp mới cho vấn đề vốn đang được dư luận quan tâm thời gian qua. Thực tế, trong dư luận đã có không ít ý kiến khác nhau nhau chung quanh mô hình trại sáng tác văn học nghệ thuật đã rất quen thuộc nhiều năm qua.

Ở đó, trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất của Bộ VHTT&DL tại các nhà sáng tác ở Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Đà Lạt, Vũng Tàu…, các hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương, các cơ quan văn nghệ tổ chức các đoàn văn nghệ sĩ đến tập trung sáng tác trong một quãng thời gian nhất định, thường là chục ngày hay hai đến vài tuần hoặc lâu hơn.

Có những ý kiến đánh giá tốt cách làm này, cho rằng việc mở trại giúp các tác giả có thời gian tập trung sáng tác, hoàn thành tác phẩm, không bị “quấy rầy” bởi các công việc đời thường; văn nghệ sĩ lại có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với đồng nghiệp ở các địa phương, vùng miền khác nhau.

Nhưng cũng có nhận xét cho rằng, trại sáng tác đang trở thành nơi “an dưỡng” cho các văn nghệ sĩ già; hoặc là nơi trở đi trở lại một số gương mặt quen thuộc mà ít có những gương mặt mới, ít có chỗ cho người trẻ; hoặc xét ra thì khoảng thời gian ngắn ngủi ít ngày ở trại, làm sao có thể đủ cho các văn nghệ sĩ “thai nghén”, “sinh nở” những tác phẩm thật sự có sức nặng…

Sinh động địa bàn tư nhân

Xuất phát từ những quan niệm, cá tính, điều kiện khác nhau trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật, nên hẳn rằng sẽ không thể có sự thống nhất trong cách nhìn nhận đối với mô hình trại sáng tác vốn là hoạt động có tính tổ chức, trong thời gian hữu hạn. Chưa kể có những trại còn hướng đến những chủ đề trọng điểm, hay giữa các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau lại có những đặc thù sáng tác khác nhau mà các nhà sáng tác hiện nay khó lòng đáp ứng được hết. Nhưng rõ ràng, với góp ý từ chính các văn nghệ sĩ, và sự tự nhận ra của ngành văn hóa, các nhà sáng tác, việc tổ chức các trại sáng tác thật sự cần cải tiến, đổi mới, phát triển. Đặc biệt khi trong đời sống văn nghệ những năm qua, ngoài mô hình trại sáng tác của cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp, thì đã có những hoạt động tổ chức sáng tác của tư nhân hay các nhóm, các cộng đồng nghệ sĩ rất đáng tham khảo.

Trại sáng tác mỹ thuật Flamingo Đại Lải đã tổ chức đến lần thứ hai sau lần thứ nhất gây tiếng vang. Vẫn là việc đầu tư thỏa đáng cho nghệ sĩ về kinh phí, không gian, thời gian, bảo đảm cho người tham gia có điều kiện tập trung tư duy tạo hình, thực hiện những tác phẩm quy mô trong không gian rộng, đặc biệt là có khán giả. Nhưng chính ở lần này, được biết ngay trong việc tổ chức trại đã có điều chỉnh sao cho phù hợp thực tế hơn, hỗ trợ được tốt hơn cho các nghệ sĩ tham dự. Điều đó cho thấy, các nhà tổ chức với sự phối hợp giữa hoạt động nghệ thuật và hoạt động kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, cũng không muốn phương thức thực hiện của mình là bất di bất dịch.

Tác phẩm sáng tác tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường trong một chương trình nghệ thuật.

Hoạt động lưu trú nghệ thuật diễn ra khá thường xuyên tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường – Hòa Bình cũng là một nỗ lực đầy sáng tạo của họa sĩ giám đốc Vũ Đức Hiếu cùng các cộng sự trong điều kiện eo hẹp về kinh phí. Khéo “co kéo” và chú trọng việc truyền thông, quảng bá, mấy năm qua, bảo tàng trở thành nơi tìm đến để xây dựng các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tạo hình trong và ngoài nước với chi phí cho việc ăn, nghỉ, sử dụng phương tiện, nguyên vật liệu… ở mức tiết kiệm tối đa. Ngoài hình thức “lưu trú lẻ” của cá nhân hay nhóm vài nghệ sĩ, bảo tàng còn phối hợp cùng một số tổ chức hay mạng lưới nghệ sĩ như Asia Art Link… thực hiện những chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới, cùng làm việc, trao đổi, giao lưu gây tiếng vang.

Gần đây, không gian Heritage Space tại Mỹ Đình, Hà Nội cũng đang trở thành một điểm cuốn hút với hoạt động Tháng thực hành nghệ thuật. Trong khoảng hơn một tháng qua, đây đã và đang là nơi nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước tìm đến, tổ chức các hoạt động “tổng hợp”: trực tiếp sáng tác, trưng bày tác phẩm và giao lưu với công chúng.

Bên cạnh các “trại” sáng tác tạo hình với nhiều hoạt động, quy mô, thời lượng khác nhau như trên, đã xuất hiện một số dự án liên quan đến sáng tác kịch bản điện ảnh, thực hiện phim ngắn có sự phối hợp giữa hội nghề nghiệp trong nước với quỹ văn hóa, tổ chức nước ngoài và một số đạo diễn, nhà biên kịch uy tín. Tại đây thường diễn ra các cuộc tập huấn, trao đổi lý thuyết nghề nghiệp, kinh nghiệm giữa người đi trước với các tác giả, đạo diễn trẻ, đồng thời tổ chức sáng tác và có thể dàn dựng ngay trong thời gian ngắn.

Từ nhà sáng tác đến cơ chế về trại sáng tác

Xét đến cùng thì mục tiêu cao nhất của mỗi trại sáng tác là tác phẩm chất lượng cao. Và nếu nói một cách hơi bàng quan thì văn nghệ sĩ cứ thế đến nhà sáng tác mà tập trung sáng tác trong yên tĩnh thôi, đến bữa có người mời xuống nhà ăn, hàng ngày hoặc cách ngày có người dọn phòng…, cần gì phải cầu kỳ, phức tạp! Nhưng để hướng tới, đạt được mục tiêu đó, cũng như tăng thêm nguồn cảm hứng, sự gợi ý với văn nghệ sĩ thì trong công tác tổ chức, điều hành hoạt động của các trại sáng tác cũng phải trả lời khá nhiều câu hỏi đang đặt ra về kinh phí đầu tư, thời gian diễn ra, chương trình – nội dung hoạt động của trại… Giải quyết chúng, đòi hỏi phải có những nhà tổ chức thật sự mong muốn đổi mới các trại sáng tác, chịu tham khảo, học hỏi từ thực tế, từ mảng hoạt động nghệ thuật tư nhân đang sôi động hiện nay; tính toán hợp lý giữa việc sáng tác tại chỗ với đi tham quan, trải nghiệm thực tế văn hóa – xã hội hay ngành nghề, tích lũy tư liệu…

Đồng thời, những câu hỏi đó, ngoài trách nhiệm của các hội chuyên ngành, hội văn học nghệ thuật địa phương, cơ quan văn nghệ tổ chức trại, còn là vấn đề không thể không đặt ra với ngành văn hóa trong việc điều chỉnh, bổ sung, tăng cường thỏa đáng hơn các điều kiện phục vụ lao động sáng tác của văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác do ngành quản lý. Một vài thí dụ trên cho thấy, Bộ VHTT&DL rất nên nghiên cứu đầu tư nâng các nhà sáng tác thành các trung tâm sáng tác với nhiều điều kiện hơn về không gian, phương tiện kỹ thuật, nguyên vật liệu… nhằm đáp ứng cho các chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau. Đồng thời cần cải thiện, nâng cao cả về chi phí bồi dưỡng, hỗ trợ sáng tác vốn được coi là rất thiết thực đối với văn nghệ sĩ.

Nhìn rộng ra, yêu cầu nâng cao chất lượng các trại sáng tác liên quan đến tiến trình xây dựng chính sách, đa dạng hóa cơ chế hoạt động của các nhà sáng tác hay trung tâm sáng tác, phát triển nội dụng hoạt động của trại sáng tác văn học nghệ thuật mà đối tượng cần được “săn sóc” hàng đầu là các văn nghệ sĩ và hoạt động sáng tác của họ. Rõ ràng, cần có các trung tâm sáng tác, trại sáng tác, nhưng càng cần hơn nữa sự mới hơn, hay hơn, hiệu quả hơn từ những “không gian văn nghệ” ấy!

Hoạt động trại sáng tác được Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức khá thường xuyên hàng năm cũng đạt được những thành quả nhất định từ việc chọn lựa tác giả, chú trọng cây viết trẻ, tổ chức trại nhằm cung cấp thêm tác phẩm chất lượng cho một cuộc thi mà tạp chí đang tổ chức, mở trại có kết hợp sáng tác tại chỗ với đi thực tế các đơn vị quân đội trên địa bàn…

Ngoài hình thức phối hợp tổ chức trại rất quen thuộc lâu nay giữa ngành văn hóa với các hội nghề nghiệp, cơ quan văn nghệ, có thể nghĩ đến những cuộc phối hợp có tính chất tư nhân nhiều hơn, giữa các nhà sáng tác với cá nhân, nhóm văn nghệ sĩ, đồng thời phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ lao động sáng tác nhằm đáp ứng sự kết hợp mới này.