Niềm tự hào một thủa
Từ xa xưa, lụa Nha Xá đã có tiếng, ngay từ những năm 1920, người dân Nha Xá đã biết đem lụa của làng mình dệt ra đi bán ở khắp nơi. Nhờ chịu khó và biết cách tính toán căn cơ, nhiều lái buôn tơ lụa ở Nha Xá đã phất lên giàu có. Nhiều người đã mở được ba, bốn cửa hiệu tơ lụa lớn ở Sài Gòn, thậm chí là Hồng Công, Nhật Bản…
Trong khoảng thời gian từ 1920-1940, làng Nha Xá đã có hàng trăm ngôi nhà kiểu biệt có kiến trúc của Pháp được xây dựng. Cho đến hôm nay, những ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp ở Nha Xá đã có ngôi còn, ngôi mất, song giữa làng quê thuần Việt ấy, những ngôi biệt thự vững chãi, cổ kính, kiêu kỳ đã làm ngỡ ngàng bao khách phương xa.
Một ngôi biệt thự cổ đã xuống cấp.
Trong số đó phải kể đến biệt thự nhà ông Phạm Khắc Tiệp được xây dựng từ năm 1930, thuần kiến trúc Pháp, còn gần như nguyên vẹn. Diện tích của nhà tuy không lớn nhưng nó được thiết kế hài hòa với sàn gỗ lim, bộ cửa, bộ mái, ban công lan can sắt và cầu thang gỗ được mang lối kiến trúc cổ điển Pháp. Một vài chi tiết trang trí Á Đông được cài vào khá hài hòa như ba chữ nho Trung- Thiên- Địa trên giữa chính ngôi nhà đã cho thấy những pha trộn Âu- Á và sự cầu kỳ trong xây dựng của ngôi nhà.
Hơn 80 năm trôi qua, bốn thế hệ gia đình ông Tiệp đã và đang sinh sống trong ngôi nhà mà chưa phải sửa sang ngôi nhà. Ông Tiệp hiện vẫn còn giữ được bản thiết kế của ngôi nhà do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Thiết kế khá chi tiết gồm hình dáng tổng thể của ngôi nhà, mặt cắt và những hoa văn trang trí, và còn có cả chữ ký của tác giả. Trải qua gần trăm năm, những cánh cửa gỗ lim, những chắn song sắt vẫn còn nguyên vẹn.
Nhiều chi tiết trang trí ở biệt thự của ông Tiệp vẫn còn nguyên vẹn.
Những năm sau chiến tranh, biệt thự kiểu Pháp ở Nha Xá còn khá nhiều, và được thiết kế tương đối giống nhau. Đó là ở khu trung tâm của ngôi nhà là phòng khách rộng, hai bên là phòng ngủ, một phòng xép, phòng thờ, cầu thang lên gác và phòng đọc sách.
Ngoài kiểu kiến trúc cổ của Pháp, những ngôi biệt thự này còn được các chủ nhân đặc biệt quan tâm đến phong thủy. Đó là sự điều chỉnh hài hòa ánh sáng tự nhiên, lưu lượng gió thông thoáng ở mỗi phòng luôn bảo đảm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Đặc biệt không gian xanh xung quanh ngôi nhà rất được chú trọng.
Trăn trở giữ nhà
Cũng như nhiều ngôi làng cổ khác, sự khắc nghiệt của thời gian và khiến cho những ngôi nhà cổ ở đây xuống cấp, và việc giữ gìn, bảo tồn còn nhiều khó khăn.
Khi nói về việc bảo tồn những ngôi nhà cổ ở Nha Xá, chính quyền và người dân nơi đây đều rất mong muốn nhưng khổ lỗi vì cuộc sống hiện tại mà nhiều gia đình không có đủ khả năng tài chính để sửa lại ngôi nhà như thiết kế, đành phải ngậm ngùi phá ra làm mới, cũng có nhiều gia đình thì tiếc quá thì dùng giải pháp xây thêm nhà mới bên cạnh để sử dụng trước mắt, khi nào có điều kiện sẽ tu bổ sau.
Gian nhà cổ của ông Lê Như Thiều được sửa sang lại.
Là người được sinh ra và lớn lên ngay tại ngôi nhà được thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp của ông nội để lại, ông Lê Như Thiều, trưởng thôn Nha Xá cũng rất yêu và trăn trở với việc bảo tồn những ngôi biệt thự cổ của làng mình nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc tỉ mẩn thống kê 21 căn nhà biệt thự cổ còn lại. Ông luôn mong mỏi và hy vọng Nhà nước sẽ có chủ trương phù hợp để có phương án bảo tồn kịp thời cho những ngôi nhà đã xuống cấp.
Giữa một không gian rất làng hôm nay, Nha Xá đã có những ngôi nhà tầng, nhà ngói đủ cả và không gian dành cho những ngôi biệt thự đã dần bị thu hẹp như một khoảng ký ức còn sót lại. Nhiều người vẫn cố gắng bằng cách này hay cách khác giữ lại ngôi nhà, không chỉ vì đó là sự phồn thịnh của làng như một niềm tự hào mà còn là thành quả từ quá trình lao động của tiền nhân đã dày công xây dựng và để lại cho thế hệ hôm nay.