Hầu đồng – vui và lo

|

NDO - NDĐT - Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức thành Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại. Nhưng không giống như sự hân hoan thường lệ, mỗi khi một di sản nào đó của Việt Nam được vinh danh ở tầm thế giới, dư luận đón nhận tin tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành Di sản thế giới trong niềm vui xen lẫn âu lo…

Với việc UNESCO vinh danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, Việt Nam đã có di sản văn hóa phi vật thế thứ 11 được công nhận ở tầm toàn cầu. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều hoạt động. Nhưng đặc sắc nhất, độc đáo nhất là nghi thức hầu đồng. Và điều đặc biệt nhất của hầu đồng không phải âm nhạc, vũ đạo hay ca từ, mà là hiện tượng “thánh nhập”. Trong quan niệm dân gian, một vị thánh nào đó của tín ngưỡng thờ Mẫu, tùy theo “giá đồng” sẽ nhập vào các ông đồng, bà cốt. Lúc ấy thanh đồng không còn là mình nữa, mà “phương tiện” để thánh hiển linh.

Trái với nỗi niềm của các di sản khác, là nguy cơ mai một phải tìm cách bảo tồn, thì bấy lâu nay, thờ Mẫu luôn đứng trước nguy cơ… lạm phát. Nhiều tư nhân lập điện, mở phủ. Nhiều di tích vốn không có tục thờ mẫu, nhưng vẫn đưa thờ mẫu vào. Khi am, điện thờ mẫu được lập lên ở các di tích như đền, chùa rồi thì rất khó để… đưa ra. Cho dù không ít trường hợp, việc vi phạm các quy định về quản lý di tích là hai năm rõ mười, nhưng đụng chạm đến tâm linh là điều ai cũng ái ngại, do tâm thức của người Việt luôn gắn với việc thờ mẫu.

Và khi có thờ mẫu, tất có hầu đồng. Hầu đồng vượt khỏi khuôn khổ các phủ, điện thờ mẫu, “tấn công” sang các di tích khác. Hầu đồng được sân khấu hóa, rồi lên sàn diễn. Chuyện tách hầu đồng khỏi không gian diễn xướng, biểu diễn như một tiết mục âm nhạc, kết hợp nhảy múa là phổ biến. Ngay trước khi hầu đồng được vinh danh ít hôm, đã xảy ra một vụ lùm xùm, mà ngay tại nơi “lắng hồn núi sông” Hoàng thành Thăng Long. Thanh đồng là nam giới, trong giá đồng, thanh đồng này “nhập vai” cô Bé. “Cô Bé” nhảy hăng đến độ lắc ngực, đánh mông về phía khán giả, nhiều người xem cảm giác bị “muối mặt”, không khác gì một buổi “lên sàn”, khác chăng là ở bộ quần áo. Sự việc này khiến nhiều nhà nghiên cứu phản ứng hết sức gay gắt.

Vụ biến tướng hầu đồng len chân đến tận Hoàng thành Thăng Long là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai đang “lợi dụng” di sản văn hóa dân tộc. Ở một nơi tôn nghiêm mà còn có biến tướng như vậy, dễ hiểu ở những điện, những phủ… khác, nhất là những điện, phủ tư nhân thì tình trạng thế nào.

Nhưng đấy mới là “phần nổi” dễ thấy. Còn nhiều câu chuyện phức tạp hơn thế. Trong tín ngưỡng tam tòa – tứ phủ, cùng với “thánh giáng – thánh nhập”, luôn có chuyện “thánh “phán”. Khi giáng, một hình ảnh quen thuộc là các vị “thánh” thường ngồi ghếch chân, uống trà, uống rượu, hút thuốc phì phèo (kể cả thanh đồng là nữ) rồi “phán”. Điều hay cũng có, chẳng hạn như căn dặn con nhang đệ tử uống nước nhớ nguồn, hay tôn kính thánh thần, cha mẹ. Song, lại cũng có những điều dở và đây vốn là điều mà nhiều người e ngại. Bởi liệu thánh có nhập thật hay không thì chỉ có người “diễn” là biết. Thực tế, không hiếm chuyện lợi dụng thánh “phán” để dọa dẫm con nhang đệ tử, để kiếm lời… Có những chuyện cười ra nước mắt khi thánh “phán” chi tiết cả những chuyện… phòng the!!! Tất nhiên trong giới thanh đồng cũng có kẻ nọ người kia. Nhưng nay, vinh danh di sản, những người sử dụng hầu đồng với mục đích cá nhân, vụ lợi chẳng khác nào có tấm “thẻ căn cước” để hành nghề mà không cần phải e dè, khiến khả năng lạm phát ở nghi thức hầu đồng tăng cao.

Trong khi các tôn giáo khác, để trở thành một người hoạt động tôn giáo chính thức cần trải qua quá trình học tập, được chứng nhận bởi các tổ chức thuộc tôn giáo đó thì tín ngưỡng tam tòa – tứ phủ không có. Không có tổ chức, không có quy định chặt chẽ, nên “quy trình” để một người có thể trình đồng, mở phủ, trở thành thanh đồng có thể nói là vô cùng dễ dãi. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học đề xuất phải chuẩn hóa, phải quy định cụ thể về người được hành nghề - chẳng hạn như phải được một tổ chức uy tín nào đó công nhận.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một di sản bản địa, thể hiện tư duy của người Việt về thế giới, đi kèm nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được trao truyền qua nhiều thế hệ. Khi mừng vui vì di sản của dân tộc được vinh danh ở tầm thế giới, cũng là lúc nhìn nhận đẩy đủ để đề ra các biện pháp quản lý.