“Bữa tiệc” điện ảnh phong phú
Rút kinh nghiệm từ ba lần tổ chức trước, lễ khai mạc và bế mạc Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội 2016 ngắn gọn và chỉn chu, phần nào khắc họa được bộ mặt của điện ảnh Việt Nam cũng như giới thiệu điện ảnh thế giới. Kết quả, giải thưởng được phân bổ khá đồng đều cho các tác phẩm từ nhiều châu lục tham dự, sát với chủ đề: “Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững”.
Danh sách phim dự thi có tên những tác phẩm nặng ký của các nền điện ảnh lớn như Ca-na-đa, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nền điện ảnh quen thuộc như Phi-li-pin, I-ran, Ấn Độ… Đề tài và cách thể hiện đa dạng, giúp khán giả yêu điện ảnh được sống trong những thái cực rất khác nhau từ vui vẻ, hân hoan tới xúc động, ám ảnh. Bộ phim giành chiến thắng ở hạng mục quan trọng và được mong chờ nhất là “Hồi ức” của điện ảnh Ca-na-đa, thuyết phục toàn bộ Ban giám khảo (BGK) lẫn người xem bởi nội dung gai góc và diễn xuất tài tình. Trước đó, bộ phim có đề tài hậu chiến và trả thù này đã gặt hái vô số giải thưởng lớn, nhỏ tại nhiều kỳ LHP quốc tế. Nam diễn viên chính của phim cũng giành luôn giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất HANIFF 2016. Điện ảnh Việt Nam góp mặt tại LHP với hai phim dài, 10 phim ngắn và 17 phim ở các thể loại; được chọn chiếu trong các chương trình: Toàn cảnh điện ảnh thế giới, Phim Việt Nam đương đại và Chùm phim ASEAN.
Những phim Việt gây chú ý thời gian qua được xướng tên ở các hạng mục giải thưởng mang tính khích lệ: Phim dài dự thi hay nhất do khán giả bình chọn thuộc về “Trúng số” (đạo diễn Dustin Nguyễn); Giải Khán giả bình chọn phim Việt Nam được yêu thích nhất thuộc về “Taxi, em tên gì?” (hai đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, Đinh Tuấn Vũ); Giải Biểu dương đặc biệt của BGK cho phim dài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ). Sự ghi nhận này cũng đồng thời nhận diện rất rõ ràng vị trí của phim Việt đang ở đâu. Đáng chú ý, đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân giành Giải Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất với phim “Một thành phố khác”, mang lại niềm tự hào và khích lệ lớn lao cho các nhà làm phim trẻ/phim độc lập của Việt Nam.
Một “đặc sản” của HANIFF 2016 là Chợ dự án phim. Nếu các kỳ LHP trước thường quan tâm đến dự án phim thể nghiệm thì năm nay chia rõ làm hai mảng: phim mang tính nghệ thuật đương đại và các dự án khả thi, có khả năng phát hành. Tại Trại sáng tác HANIFF, đông đảo nhà biên kịch, sản xuất, quay phim trẻ được tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp và sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế. Giải Xuất sắc nhất dành cho dự án “Bloodline” (tạm dịch: Dòng máu) của học viên Nguyễn Hà Lê, được lựa chọn để tham dự Attend Berlin Film Festival sẽ diễn ra vào tháng 2-2017.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, năm ngày diễn ra LHP cũng là năm ngày công chúng được “sống trong điện ảnh”; bởi công tác tuyên truyền, quảng bá được đổi mới và đẩy mạnh. 194 buổi chiếu phim, trong đó 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả đã thu hút hàng chục nghìn lượt người dân Thủ đô và du khách. Ngoài tổ chức chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn thời trang, Ban tổ chức (BTC) còn thử nghiệm một phòng chiếu đặc biệt dành cho khán giả xem phim dạng DVD theo yêu cầu. Tuy vậy, điều đáng tiếc của LHP là giải thưởng Phim xuất sắc về đề tài đô thị theo dự kiến ban đầu của UBND thành phố Hà Nội đã bị gác lại, do không có tác phẩm nào phù hợp. Nữ diễn viên người Anh nổi tiếng thế giới Ghê-ra-đin Sáp-lin (con gái danh hài Sác-li Sáp-lin) nhận lời làm giám khảo hạng mục phim dài, song lỡ hẹn vào phút chót.
Một cuộc nâng tầm
Khác với ba kỳ trước, năm nay HANIFF tiếp nhận phim từ mọi quốc gia thay vì bó hẹp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHP Ngô Phương Lan, BTC đã cố gắng nâng tầm LHP bằng chất lượng các tác phẩm dự thi; phim tuyển chọn trình chiếu ở tất cả các hạng mục phải là phim mới hoặc kinh điển, đã được thế giới công nhận.
LHP quốc tế Hà Nội 2016 cũng là kỳ LHP có đông khách mời nhất với sự có mặt của khoảng 1.200 người, trong đó hơn 200 đại biểu quốc tế. BTC cho biết, gần một nửa khách mời quốc tế tự lo chi phí để đến LHP, chứng tỏ uy tín và sức hút của HANIFF đã được nâng lên một bước. Những cái tên nổi bật và được mong chờ nhất là hai nhân vật quan trọng đã làm nên bộ phim “Đông Dương” (Indochine - phim có bối cảnh Việt Nam từng đạt nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá hàng đầu thế giới như Oscar, Ceasar…) - đạo diễn Rê-ghít Goác-ni-ê và nữ diễn viên biểu tượng nước Pháp Ca-thơ-rin Đơ-nơ-vơ. Ngoài ra, còn có nữ diễn viên người Nga - NSND Di-nai-đa Ki-ri-en-cô, người từng góp mặt trong các phim “Sông Đông êm đềm”, “Số phận một con người”... BTC HANIFF cũng chứng tỏ quyết tâm khi bỏ ra số tiền không nhỏ để mua bản quyền bộ phim vừa đoạt Cành cọ vàng tại LHP Can 2016 “I, Daniel Blake” (Tôi là Đa-ni-eo Bờ-lếch), chiếu mở màn tại chùm phim Toàn cảnh điện ảnh thế giới. Bộ phim này vừa ra mắt tại Anh ngày 21-10 và sẽ được công chiếu tại Mỹ từ ngày 6-1-2017 tới. Bản sắc văn hóa Việt Nam cũng được thể hiện khá công phu, đậm nét trong tất cả các hoạt động của LHP, mang tới một sự kiện theo thông lệ quốc tế song vẫn có dấu ấn đẹp của nước chủ nhà.
“Có mặt từ những lần tổ chức đầu tiên, tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng khi thấy HANIFF ngày càng lớn mạnh, tạo tiếng vang trong khu vực và thu hút các đối tác nước ngoài”. Đó là khẳng định của ông Bơ-ri-xi-ô San-tốt, Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN. Trên thực tế, không chỉ đơn thuần là bệ phóng cho các tác phẩm điện ảnh, LHP còn là hình ảnh đại diện cho một thành phố hay một quốc gia. LHP quốc tế Hà Nội có tiềm năng và những tín hiệu khả quan để trở thành cái tên nổi bật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các nhà quản lý cũng như phát huy sức trẻ và sự sáng tạo của đội ngũ làm phim.