PGS. TSKH. Phan Đình Tân: Không phải lễ hội nào cũng cần quảng bá

|

NDO - NDĐT - Một mùa lễ hội mới lại về. Ngay tuần đầu năm mới, trên cả ba miền đất nước đã có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khai xuân. Tình trạng cơ quan, công xưởng, nhà máy vắng vẻ, đền chùa, lễ hội thì chen chúc vẫn đang tiếp tục diễn ra cùng với những biểu hiện tiêu cực khiến nhiều người lo ngại. Mặt trái của lễ hội, nhiều năm nay luôn là vấn đề nóng trên các phương tiện truyền thông.

Lễ hội vốn là sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, chứa đựng những nét đẹp bản sắc cần được gìn giữ và phát huy, vì đâu mà nên nỗi trở thành “vấn nạn” tiêu cực những năm gần đây? Phải chăng, ngoài những bất cập về nhận thức, quản lý, tổ chức, còn có vấn đề về quan điểm tiếp cận và quảng bá lễ hội của truyền thông?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp phụ trách truyền thông của Bộ về vấn đề này.

Quảng bá kiểu khuếch trương thì lợi bất cập hại

- Thưa ông, những năm gần đây, nhiều lễ hội bị mai một, gián đoạn được khôi phục, nhiều lễ hội nhỏ được phát triển quy mô hơn. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội. Cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ gìn nét đẹp truyền thống, thì việc tổ chức lễ hội tràn lan cũng phát sinh nhiều tiêu cực, biến tướng, khiến cho năm nào cũng vậy, lễ hội đầu xuân luôn là vấn đề “nóng” trên các phương tiện truyền thông?

- Trước tiên, để bắt đầu câu trả lời này, tôi muốn hỏi lại, như thế nào là lễ hội “tràn lan”? Cả nước hiện có khoảng 8.000 lễ hội, nhưng trong đó có rất nhiều lễ hội nhỏ và nhiều lễ hội theo định kỳ, có thể 10 năm, 5 năm, 3 năm, 2 năm... mới tổ chức một lần. Có những lễ hội quy mô hội làng, chỉ mở trong phạm vi một làng, một xóm, ít được biết tới, cũng ít tác động tới đời sống, tình hình an ninh trật tự xã hội nói chung. Lễ hội truyền thống thì hàng trăm, hàng chục năm nay người dân vẫn duy trì bình yên như vậy, không thể nói nhiều là tràn lan, phản cảm. Cái “tràn lan”, phản cảm đó nếu có thấy thì chỉ tập trung vào một số lễ hội lớn, nổi tiếng. Do cách quản lý, tổ chức chưa tốt, do những tiêu cực xuất phát từ nhận thức, nhưng có lẽ một phần, cũng là do cách quảng bá, đưa tin của báo chí nữa. Ừ thì truyền thông, báo chí luôn quan tâm đến các vấn đề “nóng” của xã hội, trong đó có những mặt trái của lễ hội. Nhưng nhiều khi cũng chính báo chí, vì mục đích này mục đích kia mà thổi phồng lên những sự thật không có hoặc không đáng làm rùm beng nữa. Phải thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này để thấy, truyền thông cũng có một phần trách nhiệm.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này. Phải chăng góc nhìn, cách tiếp cận của truyền thông với lễ hội chưa được điềm tĩnh và thấu đáo?

- Đúng vậy. Tôi lấy thí dụ như thế này. Tại một số lễ hội ở miền bắc, hay ở Thanh Hóa, hay người dân ở cái làng nào đó trong lễ hội họ có tục ném nhau, hoặc cướp phết, cướp hoa tre, cướp đồ lễ… Nguyên sơ ban đầu đó chỉ là những hành vi mang tính chất văn hóa tâm linh tín ngưỡng, nó vô hại và chỉ vui vẻ (người ta thường nói “vui như hội” mà). Nhưng khi phóng viên báo chí đến, chưa kịp tìm hiểu, chỉ thấy vậy, chụp cái ảnh đưa lên và viết rằng lễ hội như vậy là phản cảm! Tất nhiên, không loại trừ có thể có những phát triển biến tướng, có chen chúc giành giật và vì lễ hội thì đông đúc, có người lợi dụng làm điều xấu gây mất an ninh trật tự thật. Nhưng không nên vì những hiện tượng đơn nhất đó mà vội quy về bản chất, phủ nhận hết cả những nét đẹp vốn có của lễ hội đó.

Ở một khía cạnh khác, có những lễ hội vốn chỉ quy mô vừa vừa, ý nghĩa thì cũng chỉ nên trong một cộng đồng làng xã đó, nhưng đã được quảng bá, khuếch trương lên thành quy mô lớn, thổi phồng ý nghĩa để thu hút người đến xem. Đặc biệt là những lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, báo chí đôi khi cũng góp phần quảng bá không đúng sự thật, gây nên tâm lý đám đông "lây nhiễm ám thị", khiến cho nhiều người đổ xô đến và từ đó có những biến tướng và tiêu cực phát sinh ngoài ý muốn.

- Vâng, như lễ hội đền Trần chẳng hạn, theo các nhà nghiên cứu thì một phần quá tải do hiệu ứng của truyền thông. Tuy nhiên, hẳn trước hết là do chính quyền và ban tổ chức, ban quản lý ở đó đã tổ chức một lễ hội như vậy?

- Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ hội, nhưng cũng có một phần trách nhiệm của truyền thông. Địa phương thì tâm lý bao giờ cũng muốn khuếch trương cái lễ hội của làng mình lên. Muốn càng nhiều người biết, càng to càng nổi tiếng càng tốt. Tất nhiên, trong đó cũng có những lý do chính đáng và trong sáng là muốn quảng bá nét đẹp lễ hội để thu hút du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Nhưng nếu quảng bá không đúng sự thật thì lợi bất cập hại. Trong những lộn xộn những năm trước đây tại lễ phát ấn đền Trần, cũng một phần chính là do cái sự “thổi phồng” quá mức về tính thiêng của ấn. Từ đó mà người khắp nơi đổ về tranh cướp trong đêm 14 tháng Giêng, gây nên sự quá tải, chen lấn. Phản cảm về văn hóa đã đành, còn nguy hại với môi trường, an ninh trật tự, gây xáo trộn đời sống cộng đồng, ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp, thậm chí là xúc phạm các bậc tiền hiền. Nói chung, quảng bá lễ hội là cần thiết, để tìm hiểu về quá khứ, lịch sử dân tộc, nhân lên những cái hay, cái đẹp, đẩy lùi ngăn chặn tệ nạn, loại bỏ hủ tục. Nhưng rất cần các nhà báo hãy tìm hiểu cho thấu đáo trước khi đặt bút viết. Hơn nữa, cũng đừng chăm chú săm soi quá đà vào những cái tiêu cực mà quên mất những nét đẹp vốn có của truyền thống đang cần được phát huy, vì không có gì hoàn toàn xấu và không có gì hoàn toàn tốt - nếu theo cách nhìn biện chứng.

Có những lễ hội không nhất thiết quảng bá

- Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc quảng bá lễ hội?

- Tôi cho rằng, truyền thông luôn có một vai trò quan trọng trong việc quảng bá lễ hội – với mục đích nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những nét đẹp truyền thống, đồng thời cũng góp phần phát hiện để kịp thời chấn chỉnh những sai lệch, biến tướng của lễ hội, loại bỏ dần những hủ tục, những cái xấu, ngăn chặn những tệ nạn. Thực tế thời gian qua, truyền thông cũng giúp cho các cấp chính quyền và cơ quan quản lý rất nhiều trong công việc này. Nhiều cái sai lệch, phản cảm chính là nhờ truyền thông phát hiện, phản ánh mà cơ quan quản lý kịp thời vào cuộc chấn chỉnh, chứ nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của địa phương thì cái gì cũng tốt, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành không thể làm thường xuyên liên tục được. Tuy nhiên, ở đây là tôi nói đến “truyền thông sạch”. Chứ thực ra cũng có luồng truyền thông mà theo tôi là vội vàng, chưa thấu đáo, chưa kể có khi truyền thông quảng bá vì những mục đích khác, những động cơ cá nhân khác, gây nhiễu loạn như tôi vừa nói ở trên.

- Vừa ngay đây, việc người dân thôn Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh che bạt chém lợn tế thành hoàng làng trong lễ hội đầu năm mới có lẽ cũng là câu trả lời đối với truyền thông và du khách, đưa ra một cách nhìn nhận về quan điểm tiếp cận và quảng bá lễ hội?

- Chung quanh chuyện chém lợn tế thành hoàng làng trong lễ hội của người dân thôn Ném Thượng ở Bắc Ninh thì còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tôi có thể nói thế này, tục hiến sinh thì ở đâu cũng có. Nhiều lễ hội trên thế giới, nhiều tập tục của các cộng đồng có tục hiến sinh. Nếu tìm hiểu kỹ, thì sẽ thấy tục chém lợn của người dân Ném Thượng không phải man rợ như bây giờ, khi mà người dân khiêng hai con lợn ra giữa sân đình, chém be bét máu giữa đám đông du khách hiếu kỳ và trước ống kính của phóng viên báo chí. Theo tục truyền của dân làng, việc chém lợn là để tế lễ cụ Lý Đoàn Thượng, người có công với làng được người dân tôn làm Thành hoàng. Việc chém lợn này vốn được thực hiện trong không gian thiêng, phạm vi chỉ vài người có trách nhiệm thực hiện. Không phải để phô ra cho du khách và báo chí xem như bây giờ.

- Như vậy, rõ ràng không phải hoạt động nào trong lễ hội, đặc biệt là các hoạt động tín ngưỡng trong phạm vi cộng đồng làng xã, cũng nhất thiết phải quảng bá?

- Đúng vậy. Rất nhiều lễ hội chỉ có ý nghĩa trong phạm vi một cộng đồng làng xóm, không phải giành cho tất cả du khách. Du khách có đến xem, tham dự thì cũng chỉ nên quan sát, tìm hiểu, đừng vội theo kiểu hoặc là hùa theo tín ngưỡng cúng bái lễ lạt, hoặc ngược lại la lối, chỉ trích, phán xét. Báo chí truyền thông cũng vậy, quảng bá lễ hội cũng nên tìm hiểu thật kỹ, mình nhận thức đầy đủ thì cũng góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về các lễ hội. Bây giờ tôi còn thấy có báo liệt kê những ngôi chùa linh thiêng nhất miền bắc, nhất miền nam, gây nên tâm lý phải đi cầu cúng bằng được trong dân chúng. Đó là những nhận thức sai lệch mà có "phần tội" của cơ quan truyền thông. Nhiều người đi lễ hội bây giờ ít để ý tìm hiểu những nét đẹp của văn hóa truyền thống, nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội, mà chỉ chăm lo cầu cúng, cầu tài, cầu an, cầu lộc, thậm chí là cầu cho hàng xóm không bao giờ bằng được mình (cười)... Có những lễ hội đền chùa năm nào cũng tắc nghẽn, quá tải, lộn xộn chính bởi vì tâm lý người dân năm nào cũng phải đến đó bằng được để cầu xin cái này cái kia. Bên cạnh đó, cũng có những lễ hội chứa đựng những tập tục, những hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống văn minh hiện giờ, cũng cần định hướng loại bỏ. Rồi cũng có những cái lễ hội phục dựng làm sai lệch, biến tướng đi, thì cũng cần phát hiện để mà chấn chỉnh. Tuy nhiên, mọi cái đều nên tìm hiểu cho thấu đáo, đừng vội vàng.

Ở đây, vai trò của báo chí trong việc định hướng về nhận thức, cung cấp sự hiểu biết cho người dân là rất quan trọng. Nói là đất nước có khoảng 8.000 lễ hội mà lễ hội nào cũng khuếch trương quảng bá lên, du khách thì tâm lý chỗ nào thiêng là đến, thì gì mà chả tràn lan, phản cảm. Rõ ràng tất cả chúng ta, từ các cấp quản lý, chính quyền, người dân địa phương, du khách và cả truyền thông, báo chí đều cần phải hiểu thấu đáo và điềm tĩnh hơn trong cách nhìn nhận và quảng bá lễ hội. Làm thế nào để trả lại và giữ cho được những nét đẹp, những giá trị nhân văn của lễ hội truyền thống, đảm bảo sự yên ả và thanh bình của quê hương Việt Nam - Đất nước yêu chuộng Hòa bình và Mến khách.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.