Gắn kết thể thao Golf và quảng bá, bảo tồn di sản văn hóa

|

NDO - Ngày 30/11, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Công ty cổ phần truyền thông đối ngoại Việt Nam, Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm "Kết nối di sản và thể thao Golf: Cơ hội và thách thức". Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ trong lĩnh vực thể thao, mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, tọa đàm là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được lắng nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn nữa những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển thể thao Golf gắn kết với bảo tồn và phát huy giá trị di sản; những đề xuất phương hướng, giải pháp, mô hình trong quản lý, phát triển thể thao Golf gắn với phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh bình trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tỉnh Ninh Bình với sự phong phú về di sản thiên nhiên và văn hóa, đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thể thao Golf như một sản phẩm mới, độc đáo, kết hợp giữa thể thao và du lịch di sản.

Theo nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, việc tổ chức các sự kiện thể thao như giải golf gắn liền với các khu di sản không chỉ giúp quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương, mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt trong ngành du lịch để thu hút các đối tượng khách du lịch quốc tế và trong nước, đồng thời, đây cũng là một cơ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhấn mạnh, để ngành du lịch phát triển bền vững, cần sáng tạo và xây dựng những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, vừa bảo tồn di sản, vừa phát huy được các tiềm năng kinh tế. Và một trong những sản phẩm đó chính là việc kết nối di sản và thể thao Golf, một mô hình mang lại sự giao thoa giữa thể thao, du lịch và bảo tồn di sản văn hóa.

Với cơ hội là những thách thức không nhỏ, từ việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, đến việc xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả, ông Vương Duy Biên cho rằng, cần bảo đảm các hoạt động thể thao này không làm tổn hại đến môi trường và di sản văn hóa, mà ngược lại phải góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu đó.

Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch golf là một thế mạnh quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh có tiềm năng di sản như Ninh Bình. Việc phát triển du lịch golf không chỉ thu hút đối tượng du khách cao cấp mà còn góp phần nâng cao giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thiết thực về các nội dung: Thể thao Golf trên các vùng di sản Việt Nam; việc xây dựng các sản phẩm tích hợp giữa thể thao và địa danh di sản; chiến lược trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương với các nhà đầu tư trong việc xây dựng các sân Golf, cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp; vấn đề phát triển Golf di sản tại Ninh Bình; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và thu hút đầu tư vào các sự kiện thể thao kết hợp với di sản; xây dựng cơ chế quản lý hợp lý, bảo đảm phát triển thể thao golf không ảnh hưởng tiêu cực đến di sản; ...

Tin liên quan
Hội thảo “Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam”

Sự kết hợp giữa môn thể thao Golf và các di sản văn hóa là cơ hội lớn để tạo ra một sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và đầy sáng tạo; không chỉ giúp nâng cao giá trị du lịch mà còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho cộng đồng và các địa phương có di sản.

Tọa đàm "Kết nối di sản và thể thao Golf: Cơ hội và thách thức" là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ giải "Golf Di sản" gồm: Tọa đàm, Tour Di sản và chương trình thi đấu giữa các Golfer có chung sở thích thể thao, văn hóa và di sản.