Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn những khoảng trống của ngành xuất bản được nhận ra qua giải thưởng sách uy tín, quy mô lớn nhất hiện nay, trong đó có sự thiếu vắng tác phẩm sách điện tử và tính kết nối, lan tỏa quốc tế.
Trong các tác phẩm được trao giải thưởng, ba giải A thuộc về: "Gia Ðịnh - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập) của tác giả Nguyễn Ðình Tư (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh); "Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm" (5 tập) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Nhà xuất bản Văn học); "Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa" do PGS, TS, bác sĩ Ðào Xuân Cơ chủ biên (Nhà xuất bản Y học).
Ðặc biệt, cuốn sách "Người thầy" của Thượng tướng - tác giả Nguyễn Chí Vịnh (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) nhận hai giải thưởng, gồm giải C và giải "Sách được bạn đọc yêu thích". Các cuốn sách, bộ sách đoạt giải hầu như được đầu tư công phu, có giá trị tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực. Không ít tác phẩm trở thành hiện tượng thu hút sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc, khơi dậy lòng tự hào về văn hóa, lịch sử nước nhà.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư năm nay đã 104 tuổi, vẫn bền bỉ cống hiến, dành trọn tâm huyết cho bộ sách đồ sộ về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa chí. Ông thật sự là tấm gương về niềm đam mê, tinh thần lao động khoa học và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ.
Bức tranh đa dạng của ngành xuất bản nhìn từ Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 cho thấy phần nào sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành trước những yêu cầu mới về tiếp tục nâng cao tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc; tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, Giải thưởng Sách quốc gia năm nay nổi bật ở tính đa dạng và lan tỏa. Các tác phẩm có chủ đề phong phú, từ lý luận chính trị đến văn hóa, lịch sử, các vấn đề thời sự như chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Sách đoạt giải không chỉ mang giá trị học thuật mà còn chú trọng tính phổ biến, gần gũi với bạn đọc nhiều lứa tuổi.
Quy trình xét giải cũng được đổi mới bằng cách điều chỉnh để có sự tham gia của độc giả trong việc đề cử, bình chọn sách, nhằm tạo kết nối gần gũi hơn giữa các nhà xuất bản và công chúng. Tuy nhiên, nhiều mong chờ, đề xuất từ giới chuyên môn và bạn đọc vẫn tiếp tục được đặt ra với mong muốn nâng cao sức lan tỏa của giải thưởng nói riêng và chất lượng ngành xuất bản nói chung.
Số lượng 51 nhà xuất bản có sách tham dự giải năm nay với 372 tên sách/ bộ sách, gồm 455 cuốn sách, tuy có nhiều hơn 10 nhà xuất bản và 60 tên sách/bộ sách, 20 cuốn sách... so với mùa giải trước, nhưng con số này vẫn khiêm tốn so với số lượng sách xuất bản hằng năm. Việc nhiều đơn vị nhỏ, các tác giả độc lập chưa tham gia dù có tác phẩm khá ấn tượng chưa góp phần phản ánh đầy đủ sự phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, các tác phẩm đoạt giải chưa thật sự phản ánh hết các vấn đề nóng hổi của xã hội hiện nay, một số lĩnh vực như khoa học công nghệ ứng dụng, môi trường, sức khỏe cộng đồng vẫn còn ít tác phẩm nổi bật. Dù đã có hạng mục mới "Sách được bạn đọc yêu thích", song, nhiều cuốn sách đoạt giải vẫn khó tiếp cận được bạn đọc do các đơn vị còn thụ động, thiếu chiến dịch quảng bá sâu rộng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng sau giải thưởng.
Mặc dù giải thưởng mang tầm quốc gia, nhưng sự kết nối quốc tế, nâng cao vị thế của sách Việt Nam trên thị trường toàn cầu vẫn có phần hạn chế. Nhiều quốc gia sau các giải thưởng sách uy tín thường đầu tư cho dịch thuật, giao lưu với nước ngoài nhằm quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức của đất nước mình đến với bạn bè quốc tế thông qua từng tác phẩm. Ở nước ta, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.
Một số chuyên gia đặt vấn đề: Dù nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành xuất bản đã được đề cập, thực hiện, có hiệu quả nhất định trong thời gian qua, song, Giải thưởng Sách quốc gia vẫn chưa ghi nhận dấu ấn của sách điện tử - một thực trạng đáng suy ngẫm trong bối cảnh xu hướng đọc sách và xuất bản đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng số hóa. Ðang có sự phát triển chưa đồng đều trong ngành sách điện tử.
Thị trường sách điện tử tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, như: thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, vấn nạn xâm phạm bản quyền, giá trị thương mại còn thấp… khiến các nhà xuất bản chưa mạnh dạn đầu tư cho sản phẩm cũng như tham gia dự giải.
Ngoài ra, tiêu chí giải thưởng cũng chưa bao quát đủ đặc thù hướng đến sách điện tử, như: tính tương tác, định dạng đa phương tiện, khả năng tiếp cận trực tuyến... Dù số lượng đọc trên nền tảng số đã tăng lên, song, văn hóa đọc truyền thống vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Hiện trạng này dẫn đến việc ngành sách điện tử chưa đủ động lực để được đầu tư xứng đáng và có chiều sâu.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên chia sẻ: 5 năm trước chúng ta chỉ có hai nhà xuất bản, mỗi năm xuất bản 18 đầu sách điện tử. Thời điểm hiện nay có gần 30 nhà xuất bản, mỗi năm xuất bản trên 4.000 đầu sách điện tử, cho thấy chuyển đổi số trong ngành đã có kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, còn rất nhiều điều phải bàn. Một số hạn chế là: Thị trường xuất bản điện tử chưa phát triển, ngoại trừ sách nói; hệ sinh thái sách điện tử chưa có; bảo vệ bản quyền sách trong môi trường số còn bất cập… Việc ngành xuất bản cho trưng bày, giới thiệu các hoạt động liên quan đến sách điện tử, sách 3D cũng nhằm mục đích lan tỏa yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản một cách tích cực hơn.
Một số khoảng trống được nhìn nhận qua Giải thưởng Sách quốc gia 2024 đang phản ánh thách thức của ngành xuất bản Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số, đòi hỏi ngành xuất bản phải có cách tiếp cận mới, sâu sắc hơn trong hội nhập và phát triển.