Sạt lở bờ sông đe dọa Di chỉ khảo cổ học Thác Hai

|

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phát hiện vào năm 2020 nằm bên bờ sông Ea H’leo thuộc địa bàn Thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp.

Từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật ba đợt, thu nhiều di vật, hiện vật quý lần đầu được phát hiện ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Hiện nay, sự tồn tại của khu Di chỉ khảo cổ học quan trọng này đang bị đe dọa do bờ sông Ea H’leo sạt lở nghiêm trọng.

Từ khi được phát hiện năm 2020, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai đã được Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật đợt 1 vào tháng 3/2021, đợt 2 từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022 và đợt 3 từ ngày 26/6/2024 đến ngày 28/7/2024 vừa qua.

Di chỉ khảo cổ học quan trọng ở Tây Nguyên

Thạc sĩ Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các đợt khai quật đã thu được rất nhiều hiện vật, di vật, cho thấy đây là một di chỉ phức hợp bao gồm cư trú-mộ táng-công xưởng rất quan trọng. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2 đến 2,3m, chứa mộ táng, hố đất đen,... cùng nhiều di vật như bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá, hơn 3.000 mũi khoan đá các loại và hàng vạn mảnh tước nhỏ, trong đó có nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện ở khu vực Tây Nguyên.

Trong đó, bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” với 250 hiện vật, gồm 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan đã được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Theo thạc sĩ Trần Quang Năm, thông qua đặc điểm di tích, di vật cùng các kết quả phân tích niên đại C14, các nhà khảo cổ xác định Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4.000 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại khoảng hơn 1.000 năm. Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá có quy mô lớn. Bên cạnh những giá trị về mặt khoa học, kỹ thuật, sưu tập mũi khoan đá tại Thác Hai còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong giai đoạn Tiền-Sơ sử.

Bước đầu, các nhà khảo cổ học cũng nhận định Di chỉ khảo cổ học Thác Hai có mối quan hệ gần gũi với các văn hóa khảo cổ ở Tây Nguyên như Biển Hồ ở tỉnh Gia Lai hay Lung Leng, Plei Krông ở tỉnh Kon Tum. Mối quan hệ với văn hóa Biển Hồ thể hiện qua các loại hình đồ gốm và các kiểu trang trí hoa văn trên đồ gốm. Với Lung Leng, đặc biệt là Plei Krông, địa điểm phát hiện khá nhiều đồ gốm là sự tương đồng về kiểu dáng như nồi đáy tròn có chân đế; loại hình nồi, vò, bình con tiện...

Ngoài ra là sự có mặt của loại hình rìu, bôn răng trâu ở địa điểm Thác Hai trước đây chỉ tìm thấy chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Không chỉ có mối quan hệ với các văn hóa, nhóm di tích ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai còn có mối quan hệ với văn hóa Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở ven biển miền trung, thể hiện qua một số đồ gốm thân gãy góc, sự có mặt của bôn răng trâu và đặc biệt là sự có mặt phổ biến của hạt chuỗi đơn sắc Indo-Pacific.

Bao quanh Di chỉ khảo cổ học Thác Hai dọc theo dòng sông Ea H’leo, các nhà khảo cổ cũng đã nhận diện được một số địa điểm có đá nguyên liệu, mảnh tước, mũi khoan... có nét tương đồng với Thác Hai, mở ra khả năng về sự có mặt của một hệ thống công xưởng tồn tại dọc theo sông Ea H’leo, cung cấp sản phẩm cho các địa điểm Tiền Sa Huỳnh-Sa Huỳnh ở ven biển phía đông và các địa điểm khảo cổ ở Campuchia phía tây...

Nguy cơ bị “xóa sổ”

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, di chỉ khảo cổ học này nằm ngay bên dòng sông Ea H’leo và trong những năm qua, vào mùa mưa, nước sông Ea H’leo dâng cao và chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua, chúng tôi cùng lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thị sát khu vực sạt lở này. Ông Võ Văn Long nhà ở Thôn 1, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, chủ thửa đất cho biết, năm 1996 ông mua lại thửa đất này của người dân địa phương với diện tích 8.000 m² để trồng điều. Năm 2020, cán bộ Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk về khảo sát phát hiện Di chỉ khảo cổ học Thác Hai và năm 2021 bắt đầu khai quật.

“Khu vực khai quật đầu tiên cách bờ sông Ea H’leo khoảng 3m, nhưng đến nay tình trạng sạt lở khiến bờ sông chỉ còn cách điểm khai quật chưa đầy 1m, còn kể từ khi tôi mua đất sản xuất đến nay đã có khoảng 3.000 m² đất đã bị sạt lở xuống sông Ea H’leo. Hiện nay, sạt lở bờ sông Ea H’leo vẫn tiếp tục xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa. Hằng năm, nhìn thấy đất và cây điều bị sạt lở xuống sông Ea H’leo mà gia đình đành bất lực, vì dòng sông quá rộng và nước chảy rất xiết”- ông Võ Văn Long buồn rầu chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Jlơi Nguyễn Văn Đồng cho biết, từ khi Bảo tàng tỉnh phát hiện ra Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trên diện tích đất của gia đình ông Võ Văn Long và tiến hành khai quật đến nay, đặc biệt sau khi bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” được công nhận là Bảo vật quốc gia, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã rất tự hào.

“Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất để Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật và chung tay bảo vệ di tích. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất là sạt lở bờ sông Ea H’leo ở khu vực này ngày càng gia tăng và lấn sâu vào đất liền. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp xử lý thì không bao lâu nữa khu vực Di chỉ khảo cổ học Thác Hai sẽ bị xóa sổ” - ông Đồng nói.

Cùng đi khảo sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Lòng sông Ea H’leo ngày càng mở rộng làm mất đất sản xuất của người dân, đặc biệt là đe dọa đến Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần khảo sát nhận thấy, ở giữa dòng sông khu vực này có một khối đá lớn cản dòng chảy của sông Ea H’leo nên vào mùa mưa nước sông dâng cao và chảy xiết xói vào bờ gây sạt lở đất nghiêm trọng.

Ủy ban nhân dân huyện đã báo cáo lên cấp trên đề xuất các phương án để bảo vệ Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Huyện mong muốn các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương sớm có giải pháp điều chỉnh dòng chảy của sông Ea H’leo. Bên cạnh đó, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nên các cấp, các ngành cần đưa vào bản đồ quy hoạch du lịch của Việt Nam kết nối với tháp Yang Prong, tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên còn nguyên vẹn nằm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp để trở thành những điểm đến du lịch khám phá về khảo cổ học ở Tây Nguyên.