Theo tư liệu lịch sử, hành cung Lỗ Giang là một trong những hành cung lớn được nhà Trần cho xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, thuộc tinh Thái Bình. Mặc dù là hành cung lớn, kết nối giữa phủ Long Hưng (Thái Bình) với phủ Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nhưng trải qua biến thiên của thời gian, lịch sử, vị trí của hành cung ở đâu, quy mô và diện mạo ra sao vẫn là một bí ẩn.
Để làm rõ điều này, từ ngày 15-11 đến nay, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiến hành khai quật khảo cổ học trên diện rộng khoảng 600 m2 tại chung quanh khu vực đền Trần (tức Thái Lăng), thuộc xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà).
Mỗi người đứng là vị trí một trụ móng kiến trúc.
Theo đó, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích móng tường bao gia cố bằng sỏi niên đại thế kỷ 13, có bề rộng khoảng 1m. Trước sân đền Trần, phát hiện kiến trúc móng đôi, cột bao rất lớn (dạng cột cát) đều được xây dựng theo dạng móng sỏi, dưới rải ngói đều có niên đại thế kỷ XIII.
Đáng chú ý, ngay tại sân đền ở độ sâu khoảng 1m phát lộ đầu rồng thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18 nằm xen lẫn lớp ngói đỏ thời Trần. Phát hiện này cho thấy, dưới thời Lê Trung Hưng đã tồn tại những công trình kiến trúc tâm linh ở đây. Bên cạnh đó, tìm thấy rất nhiều ngói lợp rìa mái, nóc mái trang trí lá đề hình rồng, đầu đao, ngói bờ nóc mặt sư tử đề chữ “Vương”, ngói chim uyên ương, cổ rồng biểu trưng cho vương quyền và thần quyền. Tất cả những hiện vật ngói đều mang đặc trưng Đại Việt, không pha tạp với nền văn hóa khác. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, đồ thờ bằng gốm thời Lê, Trần và Nguyễn như bát, liễn, chum, khay…
Đồ dùng sinh hoạt bằng gốm.
PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: Những di vật khai quật phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, rất nhiều di vật mới được tìm thấy càng khẳng định rõ cho những nhận định về quy mô to lớn và sự nguy nga, tráng lệ về một công trình được xây dựng công phu, mang tính chất hoàng gia. Tuy nhiên, để khẳng định đây có phải là trung tâm của hành cung Lỗ Giang thời Trần hay không thì công tác nghiên cứu, khai quật mở rộng trong thời gian tới cần được tiếp tục để làm rõ thêm.
Mặc dù vậy, cuộc khai quật ở Hồng Minh (huyện Hưng Hà) đã cung cấp thêm rất nhiều tư liệu quan trọng phục vụ hiệu quả cho việc so sánh, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về di tích, di vật thời Trần của khu di tích Hoàng thành Thăng long nói chung và các di tích khác nói riêng.