Ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông cho biết: Hiện nay, công tác điều tra, đánh giá đang được các đơn vị tiến hành, chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong nước có đăng thông tin mở tour du lịch đến tham quan hệ thống hang động núi lửa vùng Krông Nô. Sở đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, đánh giá toàn diện về di sản thiên nhiên vùng Krông Nô để bổ sung vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Trước đó, vào những ngày cuối năm 2014, lần đầu tiên nhiều hang động núi lửa nằm dọc theo dòng sông Sê-rê-pốc thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đác Nông được công bố khiến nhiều người trong và ngoài nước không khỏi ngỡ ngàng trước những nét độc đáo cũng như vẻ đẹp của hệ thống hang động núi lửa ở đây.
Theo kết quả công bố của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Hiệp hội hang động Nhật Bản thì hệ thống hang động núi lửa dọc sông Sê-rê-pốc, huyện Krông Nô có chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa tại xã Buôn Choah kéo dài đến khu vực thác Đray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. Các hang động được phát hiện nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.
Đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học đã tiến hành đo chi tiết được ba trong số hơn 12 hang động. Trong đó, hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài 1.066,5m được đánh giá là hang động dài nhất Đông - Nam Á. Bên trong hang rộng có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.