"Cao Sơn Đại Vương" - vở diễn tôn vinh di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội

|

NDO - Sáng 1/11, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã mang đến cho khán giả thủ đô một trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc với Chương trình nghệ thuật “Cao Sơn Đại Vương”. Vở diễn không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một hành trình tôn vinh di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội.

Lấy cảm hứng từ truyền thuyết về Cao Sơn Đại Vương, một trong Tứ Trấn Thăng Long, vở diễn đã tái hiện sinh động những câu chuyện lịch sử hào hùng, những nghi lễ truyền thống và những hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân xưa.

Ban lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, với thế mạnh của mình trong dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật dân gian và dân gian đương đại trong suốt hơn 60 năm hình thành phát triển, Nhà hát và đạo diễn Vạn Nguyễn (Huy Quang) đã xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật với các tác phẩm mang tính truyền thống, kết hợp với kỹ năng dàn dựng tổng hòa giữa ca, múa, nhạc, dẫn chuyện, ánh sáng và kỹ thuật sân khấu,...

Một cảnh trong chương trình.

Chương trình được chia làm 3 chương mang các nội dung khúc triết mạch lạc ca ngợi công đức của ngài đối với Đại Việt nói chung và với Thăng Long. Ở phần kết, khán giả được đắm mình vào hòa tấu “Khúc khải hoàn” do Tập thể nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn, khúc tấu đầy hào khí, mạnh mẽ thể hiện niềm tự hào tự tôn dân tộc của người Tràng An.

Vở diễn có sự hội tụ của rất nhiều cây đại thụ và các nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật truyền thống: NSND Thanh Hoài, NSND Ngọc Khánh cùng các nghệ sĩ như NSƯT Lê Minh, NSƯT Hải Nam, Xuân Hoà, Phương Nhung, Hoàng Hải, Quỳnh Hương, Quang Việt, các biên đạo Hải Hà, Thanh Hương, Cao Tùng, Xuân Vượng cùng tập thể nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long,...

Điểm nhấn của vở diễn là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Âm nhạc dân gian được hòa quyện với âm nhạc đương đại, tạo nên những giai điệu vừa quen thuộc vừa mới lạ.

Những ca khúc như “Uy linh Cao tổ”, “Khúc khải hoàn” đã khơi gợi trong lòng khán giả niềm tự hào dân tộc. Cùng với đó, sân khấu được thiết kế tinh xảo, kết hợp giữa các hình ảnh truyền thống và hiệu ứng ánh sáng hiện đại, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo.

"Cao Sơn Đại Vương" không chỉ là một vở diễn nghệ thuật, mà còn là một thông điệp về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là tác phẩm thứ 2 Vạn Nguyễn viết và dựng về Tứ Trấn Thăng Long, năm 2023 là “Thành Hoàng Quốc Đô” ngợi ca công đức của Thần Bạch Mã được thờ tại Trấn Đông Đền Bạch Mã cũng theo phong cách dân gian và dân gian đương đại.

Các nghệ sĩ tham gia vở diễn.

Qua vở diễn, đạo diễn Vạn Nguyễn muốn gửi gắm thông điệp rằng, văn hóa truyền thống chính là nguồn sức mạnh nội sinh, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.Với sự tham gia của nhiều cây đại thụ và các nghệ sĩ tài năng, “Cao Sơn Đại Vương” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Qua sự thành công của "Cao Sơn Đại Vương", Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là một dấu ấn quan trọng trong bức tranh văn hóa nghệ thuật của thủ đô năm 2024.