Hà Nội xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng

|

Xây dựng nền nếp văn hóa ứng xử không phải chuyện ngày một, ngày hai mà đòi hỏi một hành trình kiên trì, bền bỉ. Hà Nội đã trải qua bảy năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng và QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Việc thực hiện hai QTƯX nêu trên góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành động của người dân, giúp văn minh nhiều không gian công cộng. Kết quả đó có được là nhờ việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động.

Đã từng có thời gian tình trạng đốt vàng mã, bói toán xảy ra khá phổ biến ở những di tích lớn, nhưng hiện giờ, hầu như tất cả các di tích đều không còn tồn tại những hủ tục mê tín, dị đoan.

Không ngại lĩnh vực khó

Phủ Tây Hồ là di tích nổi tiếng của Hà Nội, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh đông khách nhất của Thủ đô. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có nhiều khóa lễ dùng số lượng vàng mã rất lớn. Một thời Phủ Tây Hồ luôn là điểm nóng về tình trạng đốt vàng mã, chèo kéo khách thập phương.

Tuy nhiên, gần đây, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa, đường vào phủ luôn phong quang, sạch đẹp, không còn cảnh chèo kéo mua bán; các dịch vụ xem bói cơ bản được "thanh toán". Trong sân chính của phủ, QTƯX nơi công cộng, trong đó có QTƯX ở các không gian tôn giáo, tín ngưỡng được niêm yết công khai để mọi người cùng thực hiện. Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện QTƯX thông qua việc vận động người dân tuân thủ các quy định, quy tắc.

Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi cho biết: "Ban quản lý di tích không cho phép khách đốt hương ở khu nội tự; không đốt mã tại phủ, cụ thể hơn là không cho đốt hình nhân thế mạng, ông lốt (tam đầu cửu vĩ); ngựa, voi, mũ hia, khăn, áo... Cùng với đó, chúng tôi thực hiện các tiêu chí của mô hình Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn với các tiêu chí dành cho người trông coi di tích, người tham quan hành lễ, điều này góp phần xây dựng cách ứng xử văn minh của người dân khi đến Phủ Tây Hồ".

QTƯX nơi công cộng được thành phố ban hành năm 2017, gồm những QTƯX chung và những quy tắc ở từng không gian cụ thể như: Vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, nhà văn hóa; siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn...

Trong đó, có những lĩnh vực không dễ thực hiện như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do liên quan đến vấn đề tâm linh. Tuy nhiên, cùng với việc vận động, tuyên truyền thực hiện QTƯX, thành phố đã triển khai mô hình Di tích lịch sử văn hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn ở 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Quận Bắc Từ Liêm chính là điểm sáng trong triển khai mô hình này. Ngoài thực hiện QTƯX nói chung, khách đến với di tích còn thực hiện một số tiêu chí riêng, hướng đến hoạt động lành mạnh, văn minh, bảo vệ môi trường, tôn trọng thuần phong mỹ tục.

Điển hình như ở Di tích quốc gia đặc biệt đền Chèm (phường Thụy Phương), nhờ triển khai mô hình này, nếp sống văn minh, môi trường sạch đẹp được bảo đảm; đồng thời, các vị khách khi đến tham quan được đón tiếp, hướng dẫn nhiệt tình. Các quận, huyện tích cực triển khai mô hình này còn có: Đông Anh, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thạch Thất, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây, Gia Lâm… Khi di tích trở nên văn minh, sạch đẹp hơn, lượng khách tham quan đến với di tích cũng tăng lên.

Một lĩnh vực khó khác trong thực hiện nếp sống văn minh là ứng xử tại chợ dân sinh. Đây là lĩnh vực nhiều năm nay các QTƯX rất khó đi vào thực tế. Tình trạng mất vệ sinh, thói quen nói thách, đốt vía khi bán hàng, chưa kể nạn cân thiếu... tồn tại khá phổ biến ở các chợ.

Thế nhưng, thời gian qua, nhiều khu chợ đang được "văn minh hóa". Triển khai thực hiện QTƯX, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã xung phong triển khai mô hình Chợ văn minh. Quận Long Biên là địa bàn tích cực triển khai mô hình này, điển hình như hoạt động tại chợ Kim Quan (phường Việt Hưng). Đến chợ Kim Quan, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi tất cả các quầy thịt tươi sống hay các sạp bán rau, củ, quả đều sử dụng kệ inox thay vì kệ gỗ như trước đây; chợ có hệ thống bồn rửa tay, xe chở rác, người bán hàng được trang bị mũ, tạp dề, găng tay...

Để xây dựng nếp sống văn minh, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ đã tổ chức cho 100% các hộ kinh doanh đã ký cam kết thực hiện mô hình Chợ văn minh, tổ chức tập huấn QTƯX, tuyên truyền đến các tiểu thương trong chợ cách giao tiếp, ứng xử, không chèo kéo tranh giành khách, bán hàng theo giá được niêm yết, hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm...

Bà Âu Thị Hiệt, người phố Hoa Lâm cho biết: "Hầu như ngày nào tôi cũng đi chợ Kim Quan. Khung cảnh chợ bây giờ đã khác hẳn ngày xưa, không chỉ sạch sẽ mà chúng tôi không còn e ngại việc cân thiếu nữa".

Hiện nay, tất cả các quận, huyện, thị xã đều triển khai mô hình Chợ văn minh và đang tiếp tục nhân rộng. Đã có những khu chợ đã đạt kết quả nổi bật như: Chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây), chợ Thái Hà (quận Đống Đa)…

Sáng tạo trong triển khai thực hiện

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, thực hiện các QTƯX là nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: "Để thay đổi thói quen cũ, hình thành nếp sống mới của một con người không phải chuyện ngày một, ngày hai mà cần quá trình bền bỉ lâu dài, nhất là khi việc thực hiện QTƯX không sử dụng chế tài mà chủ yếu thông qua tuyên truyền, vận động. Xác định như vậy cho nên ngành văn hóa phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, địa phương trong triển khai; đề cao tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, vì thực tế mới là yếu tố quyết định; đồng thời, liên tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, để các QTƯX "mưa dầm, thấm lâu" vào cuộc sống".

Chính sự nhiệt tình vào cuộc của các ngành, các địa phương đã giúp các mô hình thực hiện QTƯX ngày càng phong phú, đa dạng. Điển hình như các mô hình: "Di tích lịch sử văn hóa, điểm đến an toàn, văn minh, hấp dẫn", "Trường học xanh, thân thiện, thanh lịch, văn minh thực hiện tốt QTƯX nơi công cộng", "Chung cư văn hóa ứng xử lịch thiệp", "Khu dân cư thân thiện với môi trường", "Thôn, tổ dân phố an toàn, văn minh, sạch đẹp"...

Phương thức truyền thông cũng đổi mới, nhiều trường hợp ứng dụng mạng xã hội, với cách tuyên truyền trẻ trung, dễ tiếp cận với học sinh, sinh viên, thanh niên. Nhờ đó, các không gian khác nhau, các đối tượng đều được "phủ sóng" bởi các hoạt động tuyên truyền, vận động.

Để đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các hội thi vừa giúp cán bộ rèn luyện kỹ năng, vừa góp phần khích lệ cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, văn minh.

Thí dụ, Hội thi "Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền QTƯX nơi công cộng" luôn đặt ra những tình huống phức tạp trong thực tế đòi hỏi các thí sinh phải giải quyết khi xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng. "Lời giải" cho những tình huống này chính là sự chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện QTƯX.

Hay như những tác phẩm tham gia Cuộc thi "Vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về QTƯX nơi công cộng" đều khiến mọi người phải bất ngờ, bởi những tác phẩm không mang tính "tuyên truyền", "cổ động" thông thường mà chứa đựng ngôn ngữ tạo hình hết sức đa dạng; từ đó, những nếp ứng xử văn minh dễ dàng được mọi người tiếp nhận.

Mặc dù vậy, việc thực hiện QTƯX vẫn còn gặp một số khó khăn, trở ngại, nhất là thực hiện QTƯX tại lòng đường, vỉa hè; khi tham gia giao thông; QTƯX tại nhà ga, bến xe... Theo Trưởng Phòng Nếp sống và Xây dựng văn hóa gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, để QTƯX phát huy hiệu quả đồng bộ, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành.