Bên cạnh đó, nội dung khắc trên văn bia bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng chưa được cơ quan chuyên môn xác minh, thẩm định, gây phản cảm cho du khách khi hành hương về đây.
Trao đổi với phóng viên, ngày 4-5, ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Hà cho biết, sáng 19-4 vừa qua, tại Khu di tích đền Trần địa phương tiếp nhận sáu tấm bia bằng đá xanh, đúc năm 2015 do hội đồng hương Thái Bình tại Cộng hòa Séc công đức, được đặt tại khu lăng mộ các vị vua triều Trần, đền Vua, đền Thánh và đền Mẫu.
Theo lời ông Khanh, trước đó, vào lúc 15 giờ 39 phút, ngày 17-4, phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã gửi báo cáo đầy đủ nội dung văn bia bằng tiếng Việt và tiếng Anh thông qua mạng nội bộ của ngành đến ông Phạm Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình và ông Bùi Đức Minh, Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL. Tuy nhiên, đến sáng 19-4, địa phương không nhận được chỉ đạo gì của sở.
Trong báo cáo số 35, ngày 23-4 của Sở VH-TT&DL gửi UBND tỉnh Thái Bình do ông Phạm Văn Hóa ký về việc dựng bia tại Khu di tích đền Trần khẳng định, địa phương không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các bên, cho dù đổ lỗi cho nhau nhưng cuối cùng phải thấy rằng, đây là di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ngày 31-12-2014, mọi hoạt động tu bổ, tôn tạo, thay đổi cảnh quan di tích phải được báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ VH-TT&DL là cơ quan thường trực.
Trong sự việc này, UBND huyện Hưng Hà đã bỏ qua tất cả các quy trình quy định, bỏ qua các cơ quan quản lý và chuyên môn, tự ý đưa bia đá công đức đặt ngay tại nơi tôn nghiêm, phụng thờ các vị vua triều Trần trên mảnh đất phát tích ra nhà Trần, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa năm 2009.
Hiện nay, các tấm bia đã tạm thời được địa phương che kín bằng vải đỏ.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực đền thờ các vị vua triều Trần, tấm bia công đức mới dựng cao hơn 2,7 m, rộng 1,7 m, chân bia cao 0,5 m làm theo hình thức “rồng ổ”. Chất liệu bằng đá xanh, lòng bia (mặt trước) khắc nội dung văn bia “Trần triều đế miếu” bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tương tự, ở trước đền Thánh và đền Mẫu cũng dựng bia đá có kích thước lớn như tại đền Vua, nhưng hình thức chân bia đền Thánh khắc họa hình tượng rùa đội bia; chân bia đền Mẫu khắc họa hình tượng hoa sen. Nội dung văn bia “Đức Thánh Trần linh từ” và “Mẫu Trần triều linh từ” thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên cùng một mặt.
Còn tại khu mộ các vua Trần, ở ba ngôi mộ đều xuất hiện tấm bia đá xanh công đức cao khoảng 2,4 m, rộng 1,4 m. Điều ngạc nhiên, chữ khắc trên bia được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có phiên âm tiếng Việt nên nhiều du khách tham quan, hành hương đến di tích không hiểu bia có nội dung và ý nghĩa ra sao.
Trước sự việc này, ngày 20-4, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Đỗ Văn Bình đã gửi báo cáo số 33 đến UBND tỉnh Thái Bình, Sở VH-TT&DL, tuy nhiên toàn bộ nội dung báo cáo không có một câu, một chữ nào nhận trách nhiệm đã vi phạm Luật Di sản Văn hóa, mà chỉ là những lời bao biện như: “Việc làm trên thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn”; “Nhằm quảng bá, giới thiệu về khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần”.
Bia đã được dựng xong trước ngày 19-4, nhưng ngày 20-4, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà mới làm báo cáo tỉnh, sở để xin ý kiến chỉ đạo theo kiểu “Tiền trảm, hậu tấu”.
Điều băn khoăn nhất hiện nay là nội dung viết trên văn bia do ai soạn, có bảo đảm tính lịch sử không và được trích dẫn từ nguồn cứ liệu nào. Vì thực tế cho thấy, có nhiều điểm sai lệch nội dung, lời văn lủng củng, sử dụng văn cổ kết hợp với văn hiện đại, không đúng với ngữ pháp tiếng Việt. Hình thức trang trí hoa văn trên bia, nhất là phần chân bia không tuân thủ theo truyền thống mỹ thuật cổ Việt Nam. Thậm chí, một số bia đã khắc hoàn chỉnh nhưng lại bị tẩy, xóa, làm mất mỹ quan nơi tôn nghiêm.
Di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) là di tích quốc gia đặc biệt được giao cho UBND huyện Hưng Hà trực tiếp quản lý, khai thác, phát huy tác dụng.
Do vậy, mọi hoạt động tuyên truyền phát huy giá trị di tích, hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo đều phải hết sức cẩn trọng, khoa học. Việc công đức, huy động nguồn lực xã hội hóa di tích là cần thiết, tuy nhiên không có nghĩa là tùy tiện, thích bỏ gì, đặt nấy theo ý chủ quan hay theo một lợi ích cá nhân nào đó.
Trước sự việc đáng tiếc này, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu địa phương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm trong quá trình đặt bia đá công đức tại di tích để kịp thời xử lý, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần di dời ngay sáu tấm bia ra khỏi di tích để bảo đảm mỹ quan cho di tích và không làm ảnh hưởng xấu đến không gian, cảnh quan kiến trúc Khu di tích quốc gia đặc biệt lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.