Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhận Giải thưởng Sách Quốc gia ở tuổi 104

|

NDO - Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia bước vào lần thứ 7. Đây là giải thưởng sách được các đơn vị xuất bản cùng đội ngũ tác giả, dịch giả nói riêng và công chúng nói chung quan tâm.

Tại lễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ 7, Ban tổ chức chọn ra 58 tác phẩm để trao giải, trong số đó, “Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được đánh giá cao.

Tác phẩm gồm 2 tập dày dặn với dung lượng hơn 1.500 trang, truyền tải một lượng thông tin giá trị về vùng đất Gia Định-Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Tác phẩm này được hình thành, liên tục bổ sung, cập nhật trong hơn 20 năm của tác giả, Nhà nghiên cứu bách niên Nguyễn Đình Tư. Ông từng bộc bạch: “Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục, thể thao,… của từng thời kỳ.

Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”.

Trước khi lên chuyến tàu (ông thích đi tàu để ngắm cảnh đẹp đất nước thay vì đi máy bay) ra Hà Nội tham dự Giải thưởng sách Quốc gia sẽ diễn ra tối 29/11 tại Nhà hát Lớn, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã đón vị khách đặc biệt đến thăm tư gia, đó là đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phan Văn Mãi hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng Nhà nghiên cứu 104 tuổi với tác phẩm viết về vùng đất, con người Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7.

Cũng với Giải thưởng Sách Quốc gia, năm 2018, Nhà nghiên cứu từng nhận giải A với bộ 2 tập tác phẩm “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)”.

Bìa bộ sách “Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, khi lao động chữ nghĩa dù vất vả, nhưng tác phẩm được công chúng đón nhận, được Ban giám khảo đánh giá cao, là niềm vui của người làm nghiên cứu, khi tuổi già thấy mình vẫn còn đóng góp được cho xã hội ở phương diện học thuật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp ông là cộng tác viên báo Độc Lập; năm 1962 làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.

Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, các công trình từ trước năm 1975 như: Non nước Phú Yên, Địa chí Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân, Bộ sách Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong buổi giao lưu ra mắt tự truyện "Đi qua trăm năm".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập Loạn 12 sứ quân viết bên vệ đường cổng xe lửa Phú Nhuận trong những năm đầu sau ngày giải phóng bày thùng đồ nghề bơm sửa xe đạp.

Ông đặc biệt trở thành nhà biên khảo bình dân nổi tiếng trong nhiều năm mang cơm và trải chiếu nghỉ trưa ở hành lang Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, đợi giờ mở cửa phục vụ bạn đọc, miệt mài nghiên cứu nguồn tài liệu gốc về lịch sử, văn hóa, địa lý vùng đất Nam Bộ.

Trong tự truyện “Đi qua trăm năm” của mình (Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành), Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã gửi đến bạn đọc những tình cảm ấm áp với muốn tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm mà ông đang ấp ủ: “Những gì bạn đọc đã lướt qua đều thấy cuộc đời của tôi đã trải qua những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất chiếm đến hai phần ba năm tháng mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời, không khác gì một câu chuyện cổ tích ngày xưa vậy.

Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép”.