"Rối quê" khắc khoải
Cái tên rối nước làng Ra (thôn Phú Hòa, xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) thân thuộc lắm với người dân các huyện phía tây và phía bắc Thủ đô. Rối nước làng Ra có lịch sử ngót 1.000 năm, được truyền dạy bởi Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vì vậy, người làng Ra vinh dự được mang quân rối biểu diễn tại tòa thủy đình ở hồ Long Chiểu, thuộc thắng cảnh chùa Thầy (huyện Quốc Oai, nơi tu hành của Thiền sư) vào mỗi dịp lễ hội. Nhưng khi tìm về làng rối vang danh thiên hạ ấy, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn của tòa thủy đình, tường vôi bong tróc, những lớp bụi và mạng nhện như nói lên rằng, rất ít khi tòa thủy đình được sử dụng đúng công năng của nó. Hẳn là mỗi lần biểu diễn, cả nghệ nhân và quân rối đều phiền lòng vì mầu nước đen kịt của cái ao ô nhiễm. Rối nước làng Ra từng có thời hoàng kim, song những ngày đó đã lùi vào dĩ vãng. Ở tuổi 73, nghệ nhân Nguyễn Hữu Đoàn có ba thập kỷ làm Trưởng phường rối, nhớ lại: "Vào thời mở cửa, có những khoảng thời gian phường rối làng Ra hoạt động "xôm" lắm. Tháng nào cũng có vài đoàn khách về tham quan, xem biểu diễn, nhất là khách quốc tế. Chúng tôi còn đi biểu diễn ở nhiều địa phương xa, tận miền trung hay lên các tỉnh phía bắc. Mấy lần rối làng Ra còn xuất ngoại. Mỗi lần biểu diễn có thêm kinh phí động viên, anh em trong phường phấn khởi lắm.
Nhưng vài năm gần đây, hầu như không có khách. Mỗi năm chỉ diễn vài bận phục vụ dân làng, thi thoảng mới có chuyến lưu diễn xa". Cũng như nghệ nhân rối nước ở các làng rối khác, nghệ nhân rối làng Ra ngày thường là những nông dân, thợ mộc, thợ nề. Xưa kia, cứ đến hội, họ mới "hóa thân" thành nghệ sĩ. Đời này qua đời khác, các thế hệ vẫn lưu truyền, gìn giữ nghề rối một cách tự nhiên như thế. Nhưng hiện giờ, bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, con người bị cuốn vào cuộc mưu sinh. Để nghệ nhân gắn bó với quân rối thì cần có thêm thu nhập từ chính nghề múa rối. "Chúng tôi biết rằng, làm du lịch là con đường duy nhất để "nuôi" những quân rối. Chúng tôi đã thử bao cách mà không thực hiện được. Thời buổi cạnh tranh gay gắt, điều kiện của mình khó theo được "người ta", nghệ nhân Nguyễn Hữu Đoàn cho biết. Theo chúng tôi biết, hiện giờ, nghệ nhân "trẻ" nhất của làng rối Phú Hòa cũng ở tuổi gần... 40, lớp trung tuổi là... 50-60. Làng vẫn chưa có điều kiện đào tạo lớp kế cận.
Rối nước là "đặc sản" của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Các địa phương như: Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương... đều có những phường rối. Riêng Hà Nội có bốn phường: Đào Thục (huyện Đông Anh), Chàng Sơn, Thạch Xá và Phú Hòa (huyện Thạch Thất). Song, tình cảnh của rối nước làng Ra có thể xem như hình ảnh chung của nhiều làng rối hiện nay. Du lịch được xem là lối thoát, nhưng cánh cửa cho các làng rối đón luồng gió mới đem lại nguồn sinh khí vẫn gần như đóng chặt. Duy nhất hoạt động của phường rối nước Đào Thục có khởi sắc, với hoạt động du lịch khá chuyên nghiệp, bài bản. Trung bình mỗi tuần, Đào Thục đón vài đoàn khách quốc tế. Đội ngũ nhân sự được tổ chức tinh gọn, một nhóm chưa đến 10 nghệ nhân cũng có thể thực hiện một suất diễn phục vụ khách. Gần 50 nghệ nhân được tổ chức diễn "xoay vòng", bảo đảm ai cũng có thu nhập. Tuy nhiên, khi tâm sự về nghề, bên cạnh niềm vui, những nghệ nhân Đào Thục cũng chia sẻ nhiều trăn trở. Cả phường có gần 50 nghệ nhân, biểu diễn "xoay vòng", nên một tháng mỗi nghệ nhân chỉ diễn vài buổi, thu nhập không đáng là bao. Chưa kể nhiều đoàn chỉ có hai, ba khách, phường cũng không thể thu mức phí biểu diễn cao. Anh Nguyễn Thế Nghị, Phó Trưởng phường rối nước Đào Thục chia sẻ: "Cái khó nhất là giữ chân lớp trẻ. Đào Thục cách không xa nội thành, gần các khu công nghiệp. Nghề diễn vất vả, nếu thu nhập từ rối không cao, các bạn trẻ sẽ rời làng đi học, đi làm. Đào Thục đang hướng tới sự chuyên nghiệp hóa hơn, nhằm thu hút khách du lịch, giúp nghệ nhân có thu nhập ổn định, qua đó, không chỉ bảo tồn mà còn phát triển nghề rối một cách bền vững.
Đừng để kẻ khóc, người cười
Năm 2013, Nhà hát Múa rối Thăng Long đón nhận kỷ lục châu Á với tư cách là "Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm". Mỗi ngày, Nhà hát Múa rối Thăng Long không chỉ thực hiện một ca biểu diễn, mà còn hơn thế. Chủ yếu là phục vụ khách du lịch.
Chúng ta có thể tự hào vì qua hoạt động của nhà hát, những quân rối nước Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến. Song, với những người yêu mến nghệ thuật truyền thống, nặng lòng với di sản, thì họ không biết đây là một kỷ lục vui, hay kỷ lục... buồn. Giáo sư Hoàng Chương, người có nhiều công trình nghiên cứu về rối nước trăn trở: "Múa rối nước tồn tại từ đời này sang đời khác và trong không gian làng quê. Thưởng thức rối nước phải thưởng thức cả không gian của làng quê như cây đa, bến nước, mái đình. Xem biểu diễn trong nhà hát khép kín là chỉ xem được phần nghệ thuật, không được tiếp cận di sản theo đúng nghĩa. Hơn nữa, rối biểu diễn trong nhà hát là nghệ thuật cách tân, chứ không phải nghệ thuật dân gian truyền thống. Và nhìn rộng ra, phân tích thấu đáo ý nghĩa vấn đề, múa rối trong nhà hát không thể coi là bảo tồn di sản". Nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng, việc tách chú Tễu khỏi nơi "chôn nhau cắt rốn", chẳng khác nào đưa quan họ lên sân khấu, tách khỏi những đêm hát canh; hay đưa hội Gióng ở làng Phù Đổng ra khỏi bờ đê, ra khỏi khu đền, khỏi những bãi đánh trận.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đoàn của rối làng Ra than phiền: "Rối Bờ Hồ: có đủ thiên thời, địa lợi, khách du lịch khi tham quan thành phố chỉ tạt vào là có thể xem. Vì thế, rối làng Ra cũng như nhiều làng rối khác, rất khó cạnh tranh với "rối Bờ Hồ". Từng đi chào hàng sản phẩm rối nước với nhiều công ty du lịch, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị cho biết: "Các công ty du lịch đều bảo rằng, vẫn biết rối nước ở làng quê là hay, là đẹp, nhưng nếu đưa khách đến làng quê thì sẽ tăng chi phí cho đi lại. Vì thế, họ không mặn mà hợp tác với Đào Thục. Thay vì giới thiệu "rối quê", họ đưa chương trình xem "rối phố" vào tua. Chỉ một số ít khách quốc tế yêu mến văn hóa, muốn tận mắt chứng kiến di sản độc đáo này trong bối cảnh sinh ra của nó mới tìm đến tận làng. Có khách du lịch đến với chúng tôi, rồi phàn nàn là, các công ty lữ hành "ém" thông tin có biểu diễn rối ở làng, để đưa khách du lịch xem rối nhà hát, họ phải vất vả tìm kiếm thông tin mới xem được rối làng. Thực tế, chúng tôi thường đón khách theo kênh này, hoặc tự tìm kiếm khách qua quảng bá, chứ rất khó liên kết với công ty du lịch".
Gần đây, khi Nhà hát Chèo Hà Nội cũng diễn rối nước thì các nghệ nhân "rối quê" chỉ còn biết... cười trừ. "Rối quê" thua... toàn tập. Giáo sư Hoàng Chương khẳng định, "rối phố" hút khách du lịch, còn "rối quê" - nơi lưu giữ những giá trị di sản gốc - phải sống dở chết dở, đang là một nghịch lý. Và nếu các cơ quan chức năng không tìm cách giải quyết nghịch lý này, thì việc các phường rối nước tiếp tục bị mai một là không thể tránh khỏi. Đó là vấn đề mà các nghệ nhân thật sự quan tâm, hơn là việc rối nước có giành được danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO hay không.