Theo thống kê, cây bàng nằm trong các cụm điểm di tích như Di tích Phú Hải có 8 cây, di tích Phú Sơn có 7 cây, di tích Nhà Chúa đảo có 8 cây, trên các cung đường Lê Duẩn có 11 cây, đường Tôn Đức Thắng có 19 cây... Mỗi cây mỗi dáng vẻ, đều cao lớn, còn những gốc ú tròn bên dưới như một phần đối thoại về cuộc sống ở đây, của những ngày trước với bao nỗi nặng lòng, bao điều muốn kể về vùng đất của nắng, gió và nghị lực sống. Có cảm giác những cây bàng lặng lẽ mỗi ngày kể chuyện bằng những cành vươn rộng, lá căng tràn sức sống, tương phản với gốc xù xì bên dưới.
Những ngày tháng 10, tháng 11 ra Côn Đảo, bạn còn được những cây bàng tặng quà, đó là quả bàng rụng. Sau một mùa trên cây, trái bàng đã thẩm thấu khí trời ngoài biển xa, hội đủ những khoáng chất hút trong lòng đất đảo, tháng ngày trái nép mình trong lá, hát cùng nắng rồi cuối cùng rơi xuống ven đường tặng khách phương xa mang về một miền khác ươm mầm.
Ra Côn Đảo ngoài chuyện thấy người dân nhặt hạt bàng về phơi khô rang sấy làm mứt - một món quà của biển, bạn còn được nghe kể về thân cây bàng trong các nhà ngục ngày trước, từng là điểm để thư mật, từng ghi dấu ám hiệu của những người tù Côn Đảo. Lá bàng non còn làm thức ăn. Lá bàng khô được tù nhân đốt chế làm mực để gửi thông tin cho nhau. Một kho chuyện kể về cây bàng dành cho những người thích nghe chuyện lịch sử...
Với khách vãn cảnh như tôi, khi ngồi thả hồn trong quán cà-phê Côn Sơn, tận hưởng bóng mát từ tán bàng đem lại, chợt nhận ra đó là sự trầm mặc của thời gian hình thành nên bao lớp xù xì trên thân cây. Nếu trong lòng cảm thấy nặng nề, bạn cứ bước đi dưới những bóng cây xanh rồi choàng tay khẽ ôm thân cây, bạn sẽ nhận được một cảm giác an yên, cởi bỏ và hoan hỉ vô cùng.