Trông chờ từ tour đêm Văn Miếu

|

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa Đạo học” do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức là tour đêm thứ tư của Hà Nội, sau tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Trải nghiệm mới cho du khách

Hà Nội đã triển khai gần 200 chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch tạo đà kích cầu, thu hút khách. Các doanh nghiệp du lịch xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới như tour “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học. Việc Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tour du lịch đêm với những trải nghiệm mới dành cho du khách là nỗ lực lớn trong việc làm phong phú các sản phẩm, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang thiếu những tour trải nghiệm hấp dẫn. Sự xuất hiện của tour đêm đã mở ra hướng đi mới mẻ, sáng tạo hơn cho những địa điểm tham quan, hay những di tích lịch sử, văn hóa đã quá quen thuộc với du khách.

Công nghệ trình diễn mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa Đạo học” tại khu Thái học giúp khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra tour đêm, công nghệ và ánh sáng lung linh cũng giúp khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày.

Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng tại phố cổ mang tên “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm).

Còn nhiều việc phải làm

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.

Ngay từ đầu năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đã xác định sẽ đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đêm để góp phần giữ chân khách quốc tế đến và ở lại Hà Nội lâu hơn. Năm 2022, Hà Nội đón 18,7 triệu lượt khách, gấp 1,87 lần so kế hoạch, bằng 64,7% năm 2019. Khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 60 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% năm 2019.

Trong năm 2023, với nỗ lực của ngành du lịch Hà Nội, ước tính tổng lượng khách sẽ đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so năm 2022, và tăng 9,1% so kế hoạch; trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1% so năm 2022, tăng 33,3% so kế hoạch, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa đạt 20 triệu lượt, tăng 16% so năm 2022, tăng 5% so kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.700 tỷ đồng, tăng 43% so năm 2022, tăng 13,95% so kế hoạch.

Với sự xuất hiện của các tour đêm như tour đêm Văn Miếu, các doanh nghiệp lữ hành hy vọng sự kết hợp rõ ràng hơn giữa hai bên. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, thành phố nên xây dựng nhiều phiên bản tour đêm khác nhau để đáp ứng những đối tượng khách khác nhau. Cần có những phiên bản riêng cho người nước ngoài với trải nghiệm phù hợp và nội dung thuyết minh tiếng nước ngoài hấp dẫn.

Du lịch Hà Nội lâu nay vẫn được nhận xét là chưa khai thác hết tiềm năng. Muốn thu hút khách, phải kết hợp với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến. Mặc dù đóng vai trò kết nối giữa khách du lịch và điểm đến nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp lữ hành có thể cùng hợp tác để xây dựng sản phẩm. Một phần do vấn đề khai thác bản quyền bởi sản phẩm du lịch mang tính “mềm”, khó định giá nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, việc xây dựng một sản phẩm tại di tích đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và kiên trì mới có thể hái “quả ngọt”.