Một khởi đầu hy vọng

|

Nhà văn Trần Nguyên Mỹ bắt tay thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết.

Sau những ngày miệt mài, tác giả đã hoàn thành tác phẩm “Lũ Mường”. Từng thành công với thơ, thể ký, truyện ngắn, với những gì thể hiện trong “Lũ Mường” (NXB Quân đội nhân dân) có thể nhận thấy người viết đã có bước tiến khá tự tin đáng trân trọng.

21 chương trong tác phẩm, phần lớn tác giả dành để khắc họa những chuyển động thời cuộc, những thay đổi từng ngày theo hướng tích cực của Phìa mường Bạc Cầm Hoàng Vân. Với chức quan Phìa ông và người nhà của mình có thể sống trong no đủ, với của cải bổng lộc thừa mứa cùng sự hầu hạ của đám con ăn, kẻ ở. Nhưng Phìa Bạc Cầm Hoàng Vân không thế. Một dòng họ có chữ, có danh, có nguồn gốc oanh liệt từ cách đây mấy thế kỷ từng theo chúa Hoàng Công Chất từ Vũ Thư Thái Bình lên biên ải dẹp giặc, từng chiến đấu oanh liệt, rồi bị thương được dân bản nơi đây cứu sống. Để tiếp tục nuôi chí phục thù đã nguyện đổi họ theo họ Bạc Cầm chỉ giữ lại chữ Hoàng cho đến nay. Đó là bí mật, là gia phả truyền miệng oanh liệt, lẫy lừng. Vậy nên không thể vì lợi mà làm ô danh tông tổ. Phải giữ lấy cái đức. Tự làm tự ăn. Quan Phìa mà thế thì lạ. Không nhận quà hối lộ, có của chia cho người nghèo. Không được phép bức nạt dân đen. Nghe con trai một cán bộ Việt minh, ông bán đi toàn bộ đàn trâu mười chín con lấy bạc ủng hộ kháng chiến mua sắm vũ khí; chia ruộng cho dân nghèo, rồi tự nguyện theo cách mạng…

Từ trục chính này, người viết đã triển khai các nhánh nhân vật, với các mối quan hệ nghĩa tình, ân oán. Những cảnh ngộ trớ trêu với những oan trái, đau thương... Cạnh đó còn khéo léo đưa vào trang viết những truyền thuyết riêng một vùng đất, những mối tình đẹp kết thúc bằng những bi kịch đã thành điển tích điển cố. Không ít chương tác giả đã dành để miêu tả tình yêu lãng mạn của đôi trai gái Bạc Cầm Hoàng Vang, con trai của Phìa mường với gái xòe Lường Thị Chiêng giữa khung cảnh đầy hiểm họa, hồ nghi, đố kỵ cùng thù hận rình rập. Nhưng đôi trẻ vẫn dành cho nhau tình yêu trong sáng, mãnh liệt, tin ở ngày mai. Trong hang Chí Đẩy, họ hát cho nhau nghe những lời hát xưa mà ông bà vẫn hát “Tiễn dặn người yêu”. Lời ca giản dị nghĩa tình trong đêm như thắp trong lòng ngọn lửa hy vọng, rằng ngày mai bão tố sẽ tan trời lại sáng. Lòng tin của tình yêu đã thắng. Dưới sự chỉ huy của những chiến sĩ cách mạng, mùa hè năm 1950 dân chúng mường Nậm Ty đã nhất loạt nổi dậy phá tan đồn Tây. Những kẻ ác bị trừng trị. Bản mường vui sống trong hòa bình.

Tác phẩm thấm đẫm văn hóa tiêu biểu của vùng quê Tây Bắc. Thấm đẫm cảm xúc, sự hiểu biết của tác giả về phong tục tập quán, ngôn ngữ đồng bào. Đó là vốn sống, là sự hóa thân vào nhân vật, chi tiết khiến người đọc cuốn hút, thích thú. Thích thú còn bởi những hình ảnh, chi tiết trong từng trang viết đều mang đậm bản sắc độc đáo của các dân tộc Tây Bắc. Vì lẽ đó có thể nói đây là tác phẩm đáng đọc.