Vào làng tre xanh

|

Tre xanh ở đâu cũng có, việc gì phải cất công đi vào tận xã Phú An (Bến Cát, Bình Dương) chỉ để xem tre. Nhưng không, lập luận đó hoàn toàn bị đảo lộn khi nhiều người bước vào không gian làng chỉ “độc diễn” mỗi tre này.

Đó là một bộ sưu tập các loại tre mà chủ nhân cùng cộng sự lặn lội từ Hà Giang cho đến mũi Cà Mau, từ hải đảo cho đến tận miền núi cao của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên đào bứng đem về. Bộ sưu tập tre này, khoảng 90% là tre Việt Nam, 10% là tre nhập khẩu, theo như lời giới thiệu là bộ sưu tập tre lớn nhất vùng Đông Nam Á.

Đi hết một vòng trong vườn tre, ngắm bụi này đang mọc măng, loài khác đã khép lại vòng sinh sôi chợt nghĩ đến những công dụng của nó. Măng tre gợi đến món ăn, thân tre làm cọc, cây sào, cành tre làm roi dạy trẻ con nông thôn ngày xưa và tre chẻ sợi dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân đan thành đồ dùng như thúng, mủng, dần, sàng... nhưng lá tre thì vô dụng. Chỉ những vùng ngày xưa khó khăn về củi nấu người ta mới quét lá về đun. Nhiều loại cây tre có gai và dân gian vẫn gọi tên chung đó là tre gai nhưng khi đã mọc trong cùng khu vườn rồi thì tre gai lại còn có những cái tên riêng khác, đặt theo hình thể của cây cành và gai tre với những tên gọi ngồ ngộ như “lộc ngộc”, “gai cua”, “gai hoa trinh nữ”…

Vào làng tre đừng đi vội vã. Đứng trước những bụi tre, nên im lặng, nhìn và nghĩ, ngôn ngữ bỗng bật lên bên trong ta rằng mỗi một loại tre cũng có cái nét riêng. Tre gai đan cành vào nhau, gai tre tạo điểm bám níu, thân cây cứ vậy mà đứng thẳng, vươn cao. Chẳng vậy mà cây lồ ô mọc trong rừng, thân dựa vào cây rừng mà đứng thẳng, “về làng” nó như bị thất thế, đứng khó hơn nằm nên trông cậy vào lứa măng mọc tua tủa hiên ngang.

Được biết khu bảo tồn tre này được khánh thành vào năm 2004, đến nay cũng đã gần 20 năm. Vào làng tre bạn nên chọn một ngày nắng, vào mùa khô càng đẹp vì được giẫm lên lớp lá tre khô bật tiếng tách te, còn lá tre tươi trong gió nhẹ phát ra âm thanh tanh tách như tiếng mưa bên hiên. Đi dưới hàng tre hun hút cho ta một cảm giác thư thái nhẹ nhõm vô cùng.